Đồng nhất, đồng chất sản phẩm xuất khẩu

10:46' - 06/04/2024
BNEWS Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu lớn với các ngành hàng đa dạng và phong phú như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, điện tử và các sản phẩm công nghiệp khác.

Đặc biệt, đối với xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã có vị trí số một thế giới. Tuy nhiên, để hàng nông sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, sản xuất và tiêu thụ đồng nhất, phù hợp với yêu cầu thị trường là con đường bắt buộc nông dân phải làm hiện nay. Đây cũng là giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra để hướng nông dân đến con đường sản xuất bền vững, tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm.

 

*Đồng quy nông dân, đồng chất sản phẩm

Khu vực phía Nam nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là vựa lúa, thủy sản, cây ăn trái lớn nhất cả nước. Nơi đây quy tụ hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Nhưng để tạo nên sự đồng nhất trong sản xuất và thống nhất về chất lượng, lực lượng nông dân hiện nay cần có một liên kết trong cùng ngành nghề, như tổ hợp tác, hợp tác xã, các hội quán… để cùng trao đổi thông tin phục vụ cho sản xuất.

Là một trong những địa phương phát triển kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cũng đã chú trọng kết nối lực lượng sản xuất để tạo nên hệ thống sản xuất đúng tiêu chuẩn, quy trình sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, những năm qua việc xây dựng, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác và kết nối tiêu thụ được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững.

Liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối quan trọng trong thúc đẩy liên kết sản xuất. Các tổ hợp tác, hợp tác xã là nơi quy tụ nông dân phát triển kinh tế tập thể, cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Tính đến nay, cả thành phố Cần Thơ có 104 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ với diện tích 3.785 ha; trong đó có 38 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích 2.681 ha có nhu cầu liên kết tiêu thụ tại quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai để phát triển sản xuất bền vững.

Tại tỉnh Đồng Tháp, các hội quán là nơi quy tụ nông dân trên tinh thần tự nguyện để chia sẻ nhau “chuyện làng, chuyện xóm”, hỗ trợ nhau sản xuất của nông dân cùng ngành nghề, chung lĩnh vực sản xuất. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, đến nay Đồng Tháp có 144 hội quán với 7.556 thành viên và 3 hợp tác xã được thành lập từ mô hình hội quán.

Các hội quán hoạt động với phương châm “3 không” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hướng), chia sẻ nhau những thông tin, kinh nghiệm mỗi thành viên có được, học hỏi được cho các thành viên khác trong hội quán. Qua 7 năm phát triển đến nay, hội quán có 11 lĩnh vực hoạt động từ chăn nuôi đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, làm du lịch…

Tuy nhiên, cái khó hiện nay của nông dân Việt Nam là diện tích sản xuất nhỏ lẻ, mang tính nông hộ riêng lẻ nên khó tạo nên một khối sản xuất thống nhất. Từ đó, nảy sinh nhiều vấn đề liên quan, tác động đến chế biến, xuất khẩu như chất lượng không đồng đều, kích cỡ chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, liên kết nông dân trong mối liên kết chuỗi là giải pháp để nông dân thống nhất một quy trình sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu đồng nhất về chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T chia sẻ, Tập đoàn Vina T&T phát triển 3 nhà máy sơ chế, đóng gói trái cây xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Canada tại 3 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang với các sản phẩm dừa xiêm xanh, chôm chôm, nhãn, xoài cát chu, thanh long, xoài tượng nên đã liên kết sản xuất nhiều diện tích sản xuất trái cây ở khu vực này.

Yêu cầu của thị trường nhập khẩu cần sự đồng nhất về chất lượng sản phẩm, cũng như kích cỡ, vì vậy, doanh nghiệp thông qua đơn vị liên kết là các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập huấn cho nông dân quy chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất đồng nhất, mới có nguồn nguyên liệu lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, đến nay, tỉnh Tiền Giang hình thành được 93 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Trên lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình, với diện tích 13.000 ha, sản lượng 121.800 tấn/năm; lĩnh vực chăn nuôi hình thành 10 mô hình, quy mô 1,2 triệu con; lĩnh vực thủy sản có 3 mô hình, diện tích 282 ha, sản lượng 4.100 tấn.

Nổi bật có Hợp tác xã Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) liên kết với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ trồng lúa chất lượng cao; Công ty TNHH HK liên kết với các tổ chức nông dân tại huyện Gò Công Tây trồng lúa thơm VD - đặc sản Gò Công. Sản phẩm gạo thơm VD - đặc sản Gò Công của Công ty TNHH HK cũng đã đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Tiền Giang hạng 3 sao... Lúa hàng hóa trong các mô hình liên kết được doanh nghiệp thu mua cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg.

Ông Mai Đức Thắng, nông dân xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây liên kết 2 ha lúa sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, việc liên kết này giúp nông dân an tâm sản xuất. Đến mùa vụ, nông dân ra đồng tổ chức thu hoạch, ghi lượng lúa khi cân giao doanh nghiệp và thu tiền, rất tiện lợi cho nông dân.

*Đồng thuận phát triển

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm khoảng 24 triệu tấn lúa, 10 triệu tấn cây ăn trái, 10 triệu tấn rau, cá tra và tôm gần 2 triệu tấn. Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu này rất cần một mối liên kết với khâu tiêu thụ, doanh nghiệp để tổ chức tốt con đường lưu thông nông sản cho khu vực này.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp liên kết với các địa phương để liên kết tổ chức, tiêu thụ nông sản đây là bước tiến trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng là bước tiến trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn.

Con đường tiêu thụ nông sản là con đường phải vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt theo những chuẩn của những quốc gia thu mua, nó có thể có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau và muốn bán được phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, không có con đường nào khác ngoài phải đáp ứng tiêu chuẩn của người thu mua.

Chỉ có mối liên kết chuỗi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ mới đảm bảo được điều này. Từ đó tạo nên uy tín cho vùng nguyên liệu cũng là uy tín của khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, liên kết là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.

Hiện tại, chỉ khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, thậm chí trong số 20% đó không phải chuỗi nào cũng mang tính liên kết bền vững. Làm sao để nâng cao chuỗi liên kết là vấn đề đặt ra, để giải mã được thì phải phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, là chuỗi liên kết chặt chẽ tại các vùng nguyên liệu.

"Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Chỉ có liên kết thì mới có thể đảm bảo yêu cầu, đảm bảo chuẩn mực của thị trường. Và, chỉ có kinh tế hợp tác, hợp tác xã mới giải quyết tốt bài toán liên kết, bởi sản phẩm là cái mà chúng ta làm ra được, thương phẩm là cái mang lại giá trị ngoài thị trường", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục