Đồng Tháp giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 86% so với kế hoạch

08:15' - 22/12/2023
BNEWS Đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 965 công trình xây dựng; trong đó, 129 công trình đang lựa chọn nhà thầu thi công, 347 công trình đang thi công, 486 công trình thi công hoàn thành.

Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 5.607 tỷ đồng, đạt trên 86% so với kế hoạch. Cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục cố gắng, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm nay đạt tỷ lệ cao.

Trong quá trình thi công, Dự án xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò với chiều dài 2.200 m, tổng mức đầu tư hơn 399 tỷ đồng gặp rất nhiều khó khăn, nhất nguồn cát khan hiếm. Trước tình hình này, để đảm bảo tiến độ, tỉnh quan tâm điều phối nguồn cát. Ngoài cát được chủ đầu tư cung cấp, đơn vị thi công còn chủ động mua thêm nguồn cát bên ngoài.

 

Ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau hơn 1 năm khẩn trương xây dựng, đến nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ, thời gian. Nguồn vốn Trung ương bố trí cho công trình đã giải ngân đạt 100%. Từ đó, góp phần giúp tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ban đến nay khoảng 95% với hơn 546 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Trương Hòa Châu cho biết, nguồn cát cung ứng cho các dự án, công trình đang gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện của dự án để có khối lượng nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu. Giá vật liệu xây dựng như: cát, sắt thép, đá… có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt làm ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu và việc triển khai thi công của nhà thầu (nhất là các hợp đồng đã ký với hình thức hợp đồng là trọn gói) dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh hợp đồng xây dựng hoặc chờ giá vật liệu xuống thấp hay bằng với giá hợp đồng đã ký.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 965 công trình xây dựng; trong đó, 129 công trình đang lựa chọn nhà thầu thi công, 347 công trình đang thi công, 486 công trình thi công hoàn thành. Một số công trình bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng và có 3 công trình tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng, thiếu cát san lấp và thiếu vốn thanh toán.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp Trần Ngô Minh Tuấn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho đơn vị thi công; đồng thời, bố trí vốn thanh toán cho công trình. Đề nghị chủ đầu tư khẩn trương tổ chức tiếp nhận cát theo kế hoạch đã được phân bổ; tăng cường kiểm tra giám sát khối lượng cát đã tiếp nhận tại mỏ và khối lượng cát tại công trình, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bán cát ra ngoài công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư công còn lại mà Đồng Tháp phải giải ngân là hơn 10% trong khi thời gian còn lại của tháng 12 năm 2023 cũng như tháng 13 (tháng 1/2024) không còn nhiều. Ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các địa phương, sở, ngành cần “tăng tốc” trong giải ngân vốn đầu tư công để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân 100% theo kế hoạch.

Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công trực tiếp phụ trách chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời phối hợp các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. UBND tỉnh sẽ đánh giá và xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư giải ngân không đạt theo kết quả cam kết, đồng thời, xem kết quả giải ngân là cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm của đơn vị chủ đầu tư.

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa với vai trò là chủ đầu tư, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân kế hoạch vốn theo thứ tự ưu tiên trước hết là vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023; trong đó, lưu ý nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn nước ngoài (vốn ODA). Sau đó, đến vốn năm 2023, lần lượt ưu tiên vốn ngân sách Trung ương, vốn nước ngoài và vốn ngân sách địa phương.

Trong bối cảnh cát khan hiếm, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai nhiều dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy đối với các bãi bồi, cồn nổi nhằm hạn chế sạt lở, có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét (cát) để phục vụ các công trình sử dụng vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, một số dự án nạo vét cung cấp nguồn cát có chất lượng kém, lẫn nhiều bùn, tạp chất nên nhà thầu ngại tiếp nhận. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Tổ đánh giá chất lượng cát tại một số mỏ cát, dự án nạo vét.

Tổ này có nhiệm vụ tổ chức đánh giá chất lượng cát, làm cơ sở cho ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh phân loại chất lượng cát để cung ứng cho công trình theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại công trình và làm cơ sở để xác định thuế, phí, giá bán theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu chủ đầu tư, đối với các công trình đã được ưu tiên cung ứng cát phải tập trung theo dõi, tiếp nhận ngay nguồn cát được ưu tiên cung ứng. Trường hợp tiếp nhận chậm trễ hoặc không tiếp nhận thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tổ Điều phối cát điều chuyển khối lượng không tiếp nhận của chủ đầu tư sang những công trình cấp thiết khác có nhu cầu, phù hợp tình hình thi công, giải ngân vốn theo thực tế.

UBND các huyện, thành phố rà soát tất cả các dự án đang vướng giải phóng mặt bằng tập, trung giải quyết dứt điểm, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhất là đối với các dự án giao thông trọng điểm. Giao Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Tháp ưu tiên thanh toán nhanh chóng cho những dự án có đủ điều kiện giải ngân và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.

Cùng với nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và yêu cầu các chủ đầu tư chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2024, sớm giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với những dự án khởi công mới vào năm 2024, chủ đầu tư cần chủ động hoàn thành các điều kiện cần thiết (chậm nhất trong quý IV/2023) như: lựa chọn nhà thầu tư vấn, lựa chọn nhà thầu thi công… Các đơn vị chuyên môn thường xuyên cập nhật, rà soát chặt chẽ những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh Đồng Tháp là 6.498,329 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 6.376,451 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang là 121,878 tỷ đồng.

Đến nay, Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 5.607 tỷ đồng, đạt trên 86% so với kế hoạch, cao hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được 5.514,383 tỷ đồng, đạt 86,48% so với kế hoạch và đạt 92,58% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang 93,312 tỷ đồng, đạt 76,56% so với kế hoạch.

Có 16/34 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức trung bình của tỉnh, gồm: Đài Phát thanh truyền - Truyền hình Đồng Tháp (đạt 100%), Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (đạt 99,42%), UBND huyện Lai Vung (đạt 90,08%)… Có 12/34 đơn vị giải ngân từ bằng mức trung bình của cả nước đến dưới mức trung bình chung của tỉnh (từ 65,1% đến dưới 86,29%); 3/34 đơn vị giải ngân dưới mức trung bình chung của cả nước (dưới 65,1%); 3/34 đơn vị giải ngân dưới 50% so với kế hoạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục