Đồng Tháp hình thành vùng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ hơn 26 nghìn ha lúa

10:04' - 16/08/2022
BNEWS Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ hơn 26 nghìn ha, thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Vụ lúa Hè Thu năm 2022, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 180.988 ha/186.000 ha, đạt 97,3% so với kế hoạch. Số diện tích lúa đã thu hoạch trên 160,7 nghìn ha, năng suất hơn 64 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,62 tạ/ha.

Đến thời điểm hiện tại có 3 huyện Châu Thành, Lai Vung, Tháp mười đã thu hoạch đạt 100% diện tích; các huyện, thành phố còn lại lúa Hè Thu đang giai đoạn trỗ chín chuẩn bị thu hoạch rộ.

Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ hơn 26 nghìn ha, thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Trên cây lúa, các công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ theo mô hình sản xuất quy mô lớn; tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Qua đó, việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam. Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được công ty thu mua cao hơn từ 900 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.

Hợp tác xã có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Nông dân tham gia mô hình thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến; tạo được vùng nguyên liệu cho các công ty tiêu thụ lúa, qua việc liên kết tiêu thu lúa cho nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha so với diện tích sản xuất lúa không liên kết, đồng thời cho năng suất cao hơn ngoài mô hình.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành nông nghiệp đã phát huy lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết với các hệ thống phân phối lớn trong nước để tiêu thụ lúa.

Bà con mạnh dạn áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp, những cách làm mới, nhằm thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50 – 100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý, sử dụng chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ lúa bền vững, từ đó góp phần tăng năng suất.

Vụ lúa Hè Thu năm 2022, nông dân Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mô hình sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu năm 2022, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương, những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa Thu Đông 2022 cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày ải phơi đất, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần, theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn, xuống giống né rầy hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.

Ông Lê Quốc Điền cho biết, nhiều diện tích không sản xuất lúa Thu Đông, nông dân mạnh dạn xả lũ lấy phù xa, dự kiến có hơn 80 nghìn ha diện tích sản xuất vụ Thu Đông sẽ xả lũ lấy phù sa.

Việc xả lũ lấy phù sa nhằm mục tiêu khai thác lợi thế về tiềm năng sản xuất lúa, ổn định sản lượng lúa vụ Thu Đông, chủ động phòng chống mưa lũ, tiêu úng, bảo đảm sản xuất an toàn; đồng thời sử dụng giống lúa cấp xác nhận, lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với cây lúa.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục