Đồng thuận từ đối thoại trực tiếp

09:42' - 23/07/2019
BNEWS Theo VCCI, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp chính là thái độ cầu thị, tích cực lắng nghe và sự đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân là cách thức hiệu quả nhất nhằm tạo sự đồng thuận.
 
Đối thoại trực tiếp phát huy hiệu quả chất lượng điều hành. Ảnh minh họa: TTXVN

Liên tục trong nhiều năm qua, với chủ trương đổi mới thể chế theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, một Chính phủ kiến tạo đang dần được xây dựng nên vóc nên hình nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; trong đó, bao gồm các bộ, ban ngành; các sở và lãnh đạo chính quyền địa phương của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp thể hiện rõ nhất ở thái độ cầu thị, tích cực lắng nghe và sự đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân là cách thức đem lại hiệu quả tốt nhất nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, ít ai nghĩ rằng, 1 địa phương như Lào Cai đã tiến hành 26 cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, thông qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tháo gỡ nhiều vấn đề bức xúc, kéo dài, dễ phát sinh mâu thuẫn trong người dân.
Các cuộc đối thoại trực tiếp đã phát huy tinh thần dân chủ tập trung và dân chủ đại diện, nhằm không ngừng củng cố và tăng cường niềm tin của người dân, của doanh nghiệp với chính quyền địa phương nói riêng và Đảng, Nhà nước nói chung, qua đó góp phần thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Ông Mai Đình Định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Lào Cai cho biết, từ đầu năm tới nay, qua 26 cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, có thể thấy, lĩnh vực thống kê, đền bù, giải phóng mặt bằng, sắp xếp tái định cư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội là những vấn đề khiến cử tri và các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất.
Tại các hội nghị tiếp xúc đối thoại, các kiến nghị của nhân dân cơ bản đã được giải quyết kịp thời hoặc ban hành văn bản trả lời theo thẩm quyền và báo cáo tỉnh. Với một số kiến nghị khác đang trong quá trình giải quyết, ngay tại cấp cơ sở, các xã, phường cũng đã tổ chức 17 cuộc gặp gỡ, trao đổi để tập trung giải quyết những vướng mắc về thực hiện chế độ chính sách; đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp đất tái định cư; xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các tuyến phố văn minh, kiểu mẫu...
Tỉnh Lào Cai hiện có gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, với những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như quặng sắt, giày dép, nông sản, bánh kẹo, thủy hải sản, trái cây… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, hóa chất, than cốc, thực phẩm đông lạnh…
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan tới điểm thông quan không ổn định; kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, tái xuất còn chậm; còn bị ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu…
Trong số không ít cuộc hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND và ngành hải quan tỉnh Lào Cai, các doanh nghiệp trên địa bàn đã được tiếp xúc, trao đổi và cởi mở về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; những vấn đề còn chưa thông tỏ theo các quy định pháp luật về kiểm soát hải quan, xuất xứ, nguồn gốc các mặt hàng tạm nhập, tái xuất; quy định về kiểm định chất lượng hàng hóa; kiểm dịch động vật hay giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp khi hàng hóa không xuất được ngay...

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất việc đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư, xúc tiến thương mại...
Đi vào chi tiết, ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, cho biết, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu ý kiến, kiến nghị về những vấn đề đang vướng mắc cần được UBND tỉnh và các ngành liên quan tháo gỡ.

Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng thống nhất các văn bản, thủ tục, hạn chế chồng chéo gây khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thuận lợi thuê xe biên mậu với giá cả hợp lý, tránh việc phải lưu kho gây tốn kém. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tỉnh hỗ trợ thông báo về địa điểm có thể thông quan hàng hóa, tránh việc tồn đọng hàng gây thiệt hại cho doanh nghiệp...
Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Quang cho hay, ngành hải quan đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai tốt thủ tục hải quan điện tử và hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, áp dụng có hiệu quả quy trình quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001 – 2008. Cũng thông qua đối thoại, cục cũng kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh về nhiều chủ trương, biện pháp quản lý đối với hoạt động xuất nhập cảnh, các chính sách thuế... để tạo hành lang pháp lý thông thoáng giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng và thuận lợi.
Bên cạnh những nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, đại diện UBND tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Trường cũng thẳng thắn nhận định, đâu đó vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc, thậm chí chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt" và đã xảy ra một số sai phạm khiến dư luận bất bình và phản ứng của không ít doanh nghiệp, người dân.
Ngay trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng phát sinh nhiều bất cập, ông Trường cho biết. Cụ thể, trong một số trường hợp vẫn có tình trạng xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là tại doanh nghiệp; việc chậm ban hành kết luận thanh tra hay phương hướng xử lý những vấn đề liên quan tới tiền, tài sản, đất đai của Nhà nước. Về cơ bản, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện với tình thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Vũ Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Bắc Hà cho hay, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương trong tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng còn không ít bất cập và sự chồng chéo về thẩm quyền quản lý khiến nhiều sự vụ phát sinh được xử lý chậm trễ, gây thiệt hại không nhỏ về thời gian, chi phí và lỡ cơ hội của doanh nghiệp.
Ông Vũ Hiển đưa dẫn chứng Dự án Thủy điện Nậm Phàng B, công suất lắp máy 4,5 MW tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), quy mô hồ chứa có dung tích  208.000 m3; trong đó dung tích hữu ích 71.000 m3 do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Trước đây doang nghiệp cũng từng gặp vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Lào Cai do quy định không rõ ràng tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường. Hiện nay, vấn đề đã được giải quyết và dự án đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, theo vị giám đóc này nếu như không gặp vướng mắc thì tiến độ dự án sẽ sớm hơn dự kiến.   
Hàng năm, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn ban hành Kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cũng như nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện với doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, nội dung các cuộc đối thoại cũng đặt ra nhiều vấn đề đa dạng, phong phú; bao quát cơ bản những thực tiễn từ cơ sở, những khúc mắc và khó khăn của doanh nghiệp và người dân; trong đó, kể cả những vấn đề mà doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng, chưa đồng thuận hay những nguyện vọng, mong muốn của doanh nghiệp và người dân về các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới quyền lợi, môi trường, an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh nói chung.
Với những nỗ lực ấy chỗ đứng của Lào Cai ngày càng được đẩy lên thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI và trở thành điểm sáng về PCI trong số những địa phương thuộc khu vực miền Bắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục