Dòng tiền chảy vào cổ phiếu đang chậm hơn

09:25' - 22/07/2021
BNEWS Bank of America Merrill Lynch đã bày tỏ lo ngại về lạm phát kèm suy thoái trong nửa cuối năm 2021, nhấn mạnh đến việc dòng tiền chảy vào cổ phiếu chậm hơn và chảy ra khỏi các tài sản sinh lời cao.
Sự sụt giảm trên các thị trường chứng khoán toàn cầu và nhu cầu lớn với tài sản an toàn là trái phiếu của Mỹ trong tuần này cho thấy các nhà đầu tư hoài nghi về việc trạng thái bình thường hậu COVID sẽ sớm quay trở lại.

Số liệu từ Mỹ và Trung Quốc, hai nước đóng góp hơn một nửa trong mức tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, cho thấy sự giảm tốc gần đây của kinh tế toàn cầu cùng với sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu thô. 

Người phụ trách chiến lược ngoại hối của Deutsche Bank, George Saravelos, cho rằng cùng lúc với sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta, các thị trường có thể đang phát đi các dấu hiệu cảnh báo về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Bank of America Merrill Lynch đã bày tỏ lo ngại về lạm phát kèm suy thoái trong nửa cuối năm 2021, nhấn mạnh đến việc dòng tiền chảy vào cổ phiếu chậm hơn và chảy ra khỏi các tài sản sinh lời cao.

Số liệu mới nhất của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn của Mỹ cho thấy vị thế mua ròng đồng USD so với rổ các đồng tiền mạnh khác là lớn nhất kể từ tháng 3/2020.

Nhà quản lý danh mục đầu tư tại Vontobel Asset Management, Ludovic Colin, cho rằng việc đồng USD lên giá so với đồng euro và các đồng tiền của các thị trường mới nổi không phải là điều gây ngạc nhiên do những yếu tố không chắc chắn về kinh tế. Theo ông, bất kỳ khi nào người Mỹ trở nên lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong nước và trên toàn cầu, họ sẽ rút tiền về và mua USD.

Trong những tuần gần đây, sự lạc quan của các nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế đã đưa đến dòng tiền mặt chảy mạnh vào các lĩnh vực mang tính chu kỳ như ngân hàng, giải trí và năng lượng. Đợt "thủy triều" này có thể hiện đang rút xuống.

Đầu năm nay, quỹ đạo của đồng USD phụ thuộc vào mức chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và các đối thủ, với mức chênh cao nhất là trong tháng Năm.

Trong khi lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ sau điều chỉnh theo lạm phát vẫn cao hơn của Đức, việc lợi suất danh nghĩa của trái phiếu Mỹ giảm xuống dưới 1,2% trong tuần này đã gây lo ngại về triển vọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Người phụ trách ngoại hối tại Commerzbank, Ulrich Leuchtmann, cho rằng hoạt động sản xuất và tiêu thụ toàn cầu đã không sớm quay lại mức của năm 2019, và GDP có thể sẽ giảm trong thời gian dài. Điều này được phản ánh một phần qua thị trường trái phiếu.

Theo khảo sát hàng tuần của Hiệp hội nhà đầu tư cá nhân Mỹ, các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Ông Stephen Jen, người điều hành quỹ dự phòng rủi ro Eurizon SLJ Capital, nhấn mạnh rằng do chu kỳ kinh doanh của Trung Quốc đi trước Mỹ và châu Âu, số liệu của Trung Quốc yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư ở phương Tây.

Giao dịch kỳ vọng theo lạm phát trên các thị trường hàng hóa cũng bị đảo ngược. Tỷ lệ giá vàng/đồng đã giảm 10% sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm rưỡi hồi tháng Năm./.

>>Thị trường trái phiếu bằng đồng NDT có thể thu hút 400 tỷ USD/năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục