Đồng tiền điện tử Libra – “điểm nóng” trong dư luận

07:54' - 02/11/2019
BNEWS Sau hàng loạt bê bối về tin giả và bảo mật thông tin người dùng, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ phạt 5 tỷ USD và ngày càng mất uy tín với giới chức Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Facebook và 20 đối tác lại thúc đẩy phát triển và dự kiến triển khai dự án tiền điện tử Libra vào nửa đầu năm 2020 - một động thái gây quan ngại đối với nhiều quan chức Chính phủ, nghị sỹ, các định chế tài chính-ngân hàng, giới đầu tư tài chính tại Mỹ cũng nhiều nước trên thế giới.

Vậy tại sao đồng Libra lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy? Câu trả lời nằm ở nguồn gốc và tác động của loại tiền này đối với hệ thống tài chính thế giới.
*Tham vọng của Facebook

Biểu tượng của Facebook. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Facebook, Libra là một loại tiền điện tử mã hóa cho phép chuyển nhận tức thời với mức phí gần như bằng 0 trên khắp thế giới.

Tại thời điểm tiền Libra dự kiến ra mắt, dịch vụ kỹ thuật số sẽ được tích hợp sẵn trong ứng dụng trò chuyện trực tuyến Messenger và WhatsApp để người dùng có thể gửi tiền, tiết kiệm, chi tiêu ngay cả khi họ không có tài khoản ngân hàng. 

Công ty cung cấp dịch vụ tài chính của Facebook là Calibra sẽ chịu trách nhiệm phát triển ví điện tử và các sản phẩm sử dụng Libra, cho phép người dùng gửi tiền điện tử cho người khác thông qua điện thoại thông minh, tương tự gửi tin nhắn văn bản.
Đồng tiền số Libra sẽ giúp nước Mỹ mở rộng vai trò là nhà lãnh đạo ngành tài chính là lời khẳng định mà Giám đốc điều hành (CEO) Facebook, ông Mark Zuckerberg, đưa ra trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho buổi điều trần trước một tiểu ban của Hạ viện Mỹ.

Ông Zuckerberg đã mô tả đồng tiền số Libra là một sự đổi mới quan trọng trong ngành tài chính và trong khi Mỹ vẫn đang tranh luận về những vấn đề này, phần còn lại của thế giới sẽ không chờ đợi với việc Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện những ý tưởng tương tự trong những tháng tới.
Ông Zuckerberg nhấn mạnh đồng Libra sẽ được hỗ trợ chủ yếu bằng đồng USD và ông tin rằng điều này sẽ mở rộng khả năng lãnh đạo tài chính của Mỹ. Ông Zuckerberg cảnh báo nếu nước Mỹ không đổi mới, khả năng lãnh đạo tài chính của cường quốc này sẽ không được đảm bảo.
Bài phát biểu của CEO Facebook cho biết Dự án Libra là nhằm thúc đẩy các hoạt động tài chính bao trùm hơn thông qua việc cho phép người dùng gửi và nhận thanh toán một cách an toàn, chi phí thấp và hiệu quả trên toàn thế giới.

Theo Facebook, có những nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp cận các dịch vụ tài chính có thể giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Facebook tin rằng đây là một vấn đề có thể giải quyết và họ muốn trở thành một phần của giải pháp đó.
Sự ra đời của các công nghệ thanh toán di động mang lại lợi ích đáng kể cho những người không có tài khoản ngân hàng trên thế giới.

Ước tính, hiện có khoảng 1,7 tỷ người vẫn không có tài khoản ngân hàng, gần 2/3 trong số đó có quyền truy cập vào một thiết bị di động có thể cung cấp các dịch vụ giao dịch thanh toán trực tuyến.
Theo các chuyên gia, sử dụng công nghệ tài chính (Fintech) và tránh xa hình thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống mang lại một công cụ mới để cân bằng cơ cấu kinh tế của các cá nhân và gia đình.

Tạo ra nền tài chính tổng quát thông qua công nghệ có thể thu hút nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế, trao cho họ khả năng để phát triển và sử dụng những ngân quỹ đó cho các mục đích vượt ra ngoài cuộc sống hàng ngày.
*“Thổi bùng” quan ngại
Tuy vậy, kế hoạch phát hành đồng Libra của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các quan chức ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ngày 22/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết việc ra mắt đồng Libra theo kế hoạch vào giữa năm 2020 là “quá sớm” khi các vấn đề  như chống rửa tiền và hoạt động bất hợp pháp khác vẫn cần phải được giải quyết.

Biểu tượng đồng tiền điện tử Libra của Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Italy, Đức và Pháp sẽ có những động thái nhằm thể hiện rõ rằng đồng Libra không được chào đón ở châu Âu.
Nhóm 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng nhận định đồng tiền số này tạo ra những rủi ro "nghiêm trọng" về vấn đề rửa tiền, lừa đảo và tài chính bất hợp pháp.

Trong khi đó, Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho rằng Libra không nên được ra mắt cho đến khi các thách thức và rủi ro pháp lý, quản lý và giám sát được giải quyết thỏa đáng.
Trung tuần tháng 10/2019, Hiệp hội Libra, tổ chức giám sát đồng tiền số Libra của Facebook, đã tiến hành cuộc họp đầu tiên tại Geneva, Thụy Sỹ để cung cấp những chi tiết về cách thức hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận với 21 thành viên sáng lập này, sau sự rút lui của một số thành viên quan trọng như các hãng thẻ tín dụng nổi tiếng Visa và Mastercard, nền tảng thương mại điện tử eBay và công ty thanh toán điện tử Stripe và trước đó là Paypal.
Việc nhiều đối tác rút khỏi dự án rất có thể sẽ khiến đồng Libra của Facebook gặp thêm nhiều rủi ro, bên cạnh những lời chỉ trích và nghi ngại của giới lập pháp. Facebook đang tìm cách thuyết phục người tiêu dùng chuyển từ đồng tiền quốc gia của họ sang đồng tiền kỹ thuật số Libra để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ trên Internet.

Nhưng nếu không có một mạng lưới các đối tác tài chính đủ mạnh để giúp chuyển đổi các đồng tiền sang Libra cùng hệ thống các nhà bán lẻ toàn cầu chấp nhận nó như một hình thức thanh toán, phạm vi tiếp cận của đồng Libra sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Về phần mình, Thượng nghị sỹ Sherrod Brown thuộc đảng Dân chủ Mỹ nhấn mạnh, "Facebook đang lôi người dân ra làm thí nghiệm hết lần này đến lần khác". Hạ nghị sỹ Brad Sherman thuộc Đảng Dân chủ thậm chí còn cho rằng dự án Libra có thể "đe dọa" Mỹ nhiều hơn cả vụ tấn công khủng bố 11/9/2011.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ Maxine Waters kêu gọi Facebook ngừng phát triển Libra cho đến khi các nhà quản lý có thể thực thi hành động.

Bà Waters cho biết bà lo ngại về các kế hoạch của Facebook và nếu những kế hoạch đó trở thành hiện thực thì Facebook và các đối tác sẽ nắm giữ sức mạnh kinh tế to lớn, qua đó có thể gây bất ổn cho các đồng tiền chính thống và chính  sách tiền tệ của các nước.
Đồng quan điểm hoài nghi về tính khả thi của đồng Libra, tạp chí Forbes nhận định, sự thành công của dự án Libra trong ngắn và dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng của Facebook trong việc xác định và giải quyết những trở ngại mấu chốt.

Theo ông Steven Ehrlich - một cây viết kỳ cựu về công nghệ cho Forbes, có ba khía cạnh mà Facebook cần đặc biệt quan tâm, đó là sự ổn định của mạng lưới, khả năng thích ứng với tính biến động cao của tiền định danh và sự điều chỉnh.
Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tiền Libra có thể làm dấy lên những quan ngại về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu, tác động đến chính sách tiền tệ và tiềm năng “ngầm đô-la hóa”.

Chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng đối với các cơ quan quản lý trên thế giới là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, đảm bảo kịp thời thực thi các bước đi đúng đắn để phát huy vai trò của các đồng tiền kỹ thuật số.
Về phần mình, trả lời chất vấn của giới lập pháp Mỹ trong phiên điều trần ngày 23/10 vừa qua, ông Zuckerberg đã để ngỏ khả năng thu hẹp quy mô kế hoạch cho đồng tiền số Libra, nếu Libra không được chấp nhận như một loại tiền tệ mới cho hoạt động giao dịch toàn cầu.

Trước các nghị sĩ thành viên của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, ông Zuckerberg nói Facebook chưa thiết lập chính xác cách thức hoạt động của đồng Libra, đồng thời khẳng định mục tiêu của đồng tiền số này là xây dựng một hệ thống thanh toán toàn cầu chứ không phải trở thành một loại tiền tệ.
Khi được hỏi liệu Libra có thể chỉ liên kết với đồng USD hay không, ông Zuckerberg nói rằng Hiệp hộiLibra đang bị chia rẽ về điểm này. Ông cho biết từ góc độ các nhà quản lý, mọi chuyện có thể khá đơn giản. Nhưng đồng Libra có thể không được chào đón ở nhiều nơi khác nếu nó được định giá 100% dựa trên đồng USD.
Như vậy, đồng tiền Libra đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương và các nhà chính trị "uyên bác", lo ngại về khái niệm hệ thống thanh toán toàn cầu không được kiểm soát, sở hữu và chỉ đạo bởi một nhóm các công ty vì lợi nhuận, phá vỡ các hệ thống thanh toán và ngân hàng theo quy định hiện hành.

Tác động đối với ổn định tài chính, quyền dữ liệu riêng tư, bảo vệ khách hàng, chế độ chống rửa tiền, trốn thuế, tội phạm mạng và chính sách tiền tệ là các đe dọa đã được đưa ra trong những diễn đàn của các nhà quản lý và lập pháp.

Những yếu tố này đã trở thành thách thức đối với dự án tiền Libra và Facebook cùng các đối tác còn nhiều việc phải làm để hoàn thành dự án này trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục