Đồng USD mạnh tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế​

15:30' - 08/08/2022
BNEWS Giá trị đồng USD đã tăng nhanh trong năm nay. Đây là tin vui đối với người dân Mỹ khi đi du lịch ở các nước châu Âu, song lại là tin xấu với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Đồng bạc xanh đã tăng hơn 10% trong năm 2022 so với các loại tiền tệ lớn khác, gần mức cao nhất trong 20 năm, trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về suy thoái toàn cầu đã đổ xô đi mua đồng USD, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn.

 

Một yếu tố khác làm gia tăng sức hấp dẫn của đồng USD là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, hiện ở mức cao trong 40 năm. Điều đó làm cho các khoản đầu tư của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, vì giờ đây chúng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Khách du lịch Mỹ có thể vui mừng với việc chi phí nghỉ 1 đêm tại Rome từng ở mức 100 USD, nay chỉ mất khoảng 80 USD/đêm, nhưng đó là một bức tranh phức tạp hơn đối với các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước.
Khoảng 50% hóa đơn giao dịch quốc tế của các nhà sản xuất và doanh nghiệp bằng đồng USD, trong khi đó các chính phủ cần trả nợ bằng đồng USD cũng có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi dự trữ đồng tiền này giảm xuống mức thấp.
Sự tăng giá của đồng USD đã làm tổn thương một số nền kinh tế dễ bị tổn thương. Tình trạng thiếu hụt USD tại Sri Lanka (Xri Lan-ca) đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, buộc Tổng thống Sri Lanka phải từ chức trong tháng trước.

Đồng rupee của Pakistan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào cuối tháng 7/2022, còn Ai Cập, vốn đang chịu tác động từ giá lương thực tăng cao, đang phải đối phó với dự trữ USD cạn kiệt và “sự tháo chạy” của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cả ba nước trên đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đồng USD có xu hướng tăng giá trị khi nền kinh tế Mỹ “khỏe mạnh”, hay ngay cả khi nền kinh tế suy yếu. Hiện tượng này được gọi là “đồng USD cười”, vì đồng USD mạnh lên trong cả hai thái cực. Trong cả hai tình huống, các nhà đầu tư đều coi đồng USD như là một kênh đầu tư an toàn để vượt qua cơn bão.
Nhưng các nước khác trên thế giới không mấy vui vẻ với điều này. Manik Narain, chuyên gia tại ngân hàng UBS, đã xác định ba lý do chính khiến đồng USD mạnh hơn có thể gây tổn hại cho các nước trên thế giới có nền kinh tế nhỏ hơn.
Thứ nhất, đồng USD mạnh có thể làm gia tăng căng thẳng tài chính. Không phải quốc gia nào cũng có khả năng vay tiền bằng đồng nội tệ, do các nhà đầu tư nước ngoài không tin tưởng vào các tổ chức hoặc các nước này có thị trường tài chính kém phát triển hơn.

Theo đó, một số nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát hành các khoản nợ bằng đồng USD. Và khi giá trị của đồng USD tăng lên, việc trả nợ sẽ khó khăn hơn, "làm tiêu hao" ngân sách của chính phủ. Ngoài ra, các chính phủ hoặc doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, thuốc và nhiên liệu sẽ tốn kém hơn.
Đó là những gì đã xảy ra khi giá trị của đồng rupee Sri Lanka giảm so với đồng USD vào đầu năm nay. Chính phủ Sri Lanka đã cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối vốn đã ở mức thấp một phần do sự sụt giảm của ngành du lịch trong thời kỳ đại dịch.

Tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu sau đó đã khiến hàng nghìn người xuống phố biểu tình, dẫn đến việc từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hồi tháng 7/2022.
Thứ hai là tình trạng tháo chạy vốn, khi đồng tiền của một quốc gia suy yếu đáng kể, các cá nhân, công ty và nhà đầu tư nước ngoài giàu có bắt đầu rút tiền, với hy vọng cất giữ ở một nơi nào đó an toàn hơn. Điều đó đẩy tiền tệ xuống thấp hơn nữa, làm trầm trọng thêm các vấn đề tài khóa.

Thứ ba là sức ép tăng trưởng. Nếu các công ty không đủ khả năng nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho hoạt động kinh doanh, thì họ sẽ không có nhiều hàng dự trữ, như vậy họ sẽ không thể bán được nhiều, ngay cả khi nhu cầu vẫn mạnh mẽ, qua đó gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.
Brad Setser thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết gần đây ông đang theo dõi sát sao tình hình ở Tunisia, quốc gia đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngân sách, cũng như Ghana và Kenya, những quốc gia có nợ cao. Hay sắp tới El Salvador sẽ có khoản thanh toán trái phiếu vào đầu năm 2023, trong khi Argentina tiếp tục gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối cùng vào năm 2018.
IMF đã ước tính rằng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang ở hoặc có nguy cơ cao về nợ chính phủ, so với khoảng 20% quốc gia cách đây 10 năm. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt cơ bản giữa tình hình hiện tại và các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Nợ bằng đồng USD ít phổ biến hơn trước đây. Các quốc gia lớn nhất như Brazil, Mexico và Indonesia thường không vay nhiều bằng ngoại tệ và hiện nắm giữ đủ dự trữ ngoại hối để xử lý gánh nặng nợ nước ngoài của mình.
Thêm vào đó, giá các mặt hàng như dầu mỏ và kim loại cơ bản vẫn ở mức cao, giúp các nền kinh tế mới nổi vốn là những nhà xuất khẩu lớn, trong đó có nhiều nước ở Mỹ Latinh, đảm bảo đồng USD vẫn chảy vào ngân sách chính phủ.
Lạm phát cũng thúc đẩy các ngân hàng trung ương ở nhiều thị trường mới nổi bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn so với các ngân hàng trung ương tại Fed hoặc Ngân hàng trung ương Anh. Brazil đã tăng lãi suất 12 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2021.
Ngoài ra, vẫn có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến số phận của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nếu những động cơ tăng trưởng này thực sự bắt đầu ngừng trệ, thì các thị trường mới nổi có thể chứng kiến một dòng đầu tư chảy ra ồ ạt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục