Đồng yen giảm mạnh, Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

20:44' - 27/06/2024
BNEWS Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki, nước này sẵn sàng thực hiện hành động cần thiết đối với thị trường ngoại hối, nhằm ngăn đà giảm giá của đồng yen.
Ông Suzuki đã lên tiếng trấn an dư luận khi đồng nội tệ giảm mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 38 năm qua.

Quan chức trên bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của biến động tỷ giá giữa đồng yen và USD đối với nền kinh tế. Ông khẳng định các cơ quan chức năng liên quan đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ có biện pháp hành động cần thiết để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

 
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Tokyo sẽ có hành động phù hợp, nhằm ngăn chặn những biến động quá mức hoặc những hoạt động đầu cơ thao túng thị trường một cách bất thường. Tuy nhiên, ông Hayashi không nêu rõ liệu chính phủ sẽ hành động để can thiệp thị trường hay không.

Trong phiên giao dịch ngày 27/6, đồng yen đã phá vỡ mức kháng cự, tức mức tâm lý quan trọng 160 yen/USD, khi giao dịch ở mức 160,52 yen đổi 1 USD, gần với mức thấp nhất trong 38 năm qua là 160,88 yen/1 USD trong phiên giao dịch ngày 26/6.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen đã giảm 12% so với đồng USD, do các nhà giao dịch tiếp tục kỳ vọng vào sự chênh lệnh lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ. Đồng yen giảm mạnh làm dấy lên suy đoán của thị trường về khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp thị trường, bằng cách mua vào số lượng lớn đồng yen.

Phát biểu sau cuộc họp thông qua báo cáo kinh tế hàng tháng của chính phủ, Bộ trưởng Kinh tế Yoshitaka Shindo cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng trước nguy cơ đồng yen suy yếu hơn nữa, qua đó đẩy lạm phát lên cao do chi phí liên quan đến hoạt động nhập khẩu tăng.

Vào cuối tháng 4/2024 và đầu tháng 5/2024, Chính phủ Nhật Bản đã chi 9.800 tỷ yen (61 tỷ USD) để can thiệp thị trường ngoại hối, sau khi đồng nội tệ giao dịch ở mức 160,245 yen/1 USD trong ngày 29/4, mức thấp nhất trong 34 năm.

Các biện pháp của Nhật Bản được cho là can thiệp mua đồng yen có thể đã mang lại khoảng 2.000 tỷ yen (13 tỷ USD) lợi nhuận vốn, có khả năng làm tăng thặng dư trong tài khoản dự trữ ngoại hối của nước này và thúc đẩy cuộc tranh luận về cách sử dụng số tiền đó.

Tài khoản đặc biệt quỹ ngoại hối của Bộ Tài chính, nơi chứa các tài sản được sử dụng để tài trợ cho những biện pháp can thiệp, có hơn 19.000 tỷ yen tiền lãi chưa thực hiện từ sự thay đổi tiền tệ vào cuối năm tài chính 2022. Tài khoản này bao gồm số lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản bằng đồng USD khác được mua khi đồng bạc xanh yếu, hiện có giá trị cao hơn so với đồng yen.

Những khoản lợi nhuận đó đã được đưa ra thảo luận tại quốc hội trong cuộc họp gần đây của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Ông Kenji Eda, thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập, lập luận rằng lợi nhuận chưa thực hiện từ trái phiếu kho bạc đáo hạn nên được phân phối cho công chúng để làm dịu tác động của giá cả tăng cao. Trong khi Bộ trưởng Suzuki không đồng ý, vẫn có không ít những lập luận cho rằng những khoản lãi này nên được sử dụng.

Một số nhà quan sát thị trường tin rằng Nhật Bản đã can thiệp hai lần để củng cố đồng yen trong thời gian gần đây, chi khoảng 5.000 tỷ yen vào ngày 29/4 và 3.000 tỷ yen vào ngày 2/5. Ông Masato Kanda của Bộ Tài chính, nhà ngoại giao tiền tệ chính của Nhật Bản, đã hai lần từ chối bình luận về việc liệu chính phủ đã thực sự có hành động can thiệp nhằm hỗ trợ đồng yen.

Trong những lần can thiệp như vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, thường bán tài sản ngoại tệ từ tài khoản đặc biệt cho các ngân hàng thương mại để mua đồng yen. Bất kỳ khoản lãi trên giấy tờ nào từ tài sản được bán đều được hiện thực hóa trong quá trình này.

Nhà kinh tế trưởng Hideo Kumano tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, dự đoán: “Dựa trên các nguồn bao gồm những tài liệu công khai của Bộ Tài chính, chúng tôi có thể ước tính khoảng 2.800 tỷ yen” tiền lãi. Chuyên gia Takeshi Makita của Viện nghiên cứu Nhật Bản nhận thấy khả năng đạt được lợi nhuận thực tế ít nhất là 2.000 tỷ yen.

Tiền thu được từ các biện pháp can thiệp tiền tệ bằng yen trước tiên được dùng để thanh toán các hóa đơn tài chính - khoản nợ phát hành để tài trợ cho việc mua tài sản ngoại tệ trong các lần can thiệp trước đó. Hơn 100.000 tỷ yen trong hóa đơn tài chính chưa thanh toán vào cuối năm tài chính 2022.

Theo chuyên gia Makita, sau đợt can thiệp trị giá hơn 9.000 tỷ yen vào năm 2022, số dư hóa đơn tài chính đã giảm gần như tương đương.

Lợi nhuận cả năm có thể làm tăng thặng dư của tài khoản đặc biệt ngoại hối - thu nhập lãi từ việc nắm giữ và lợi nhuận từ việc bán tài sản, trừ đi các chi phí như thanh toán lãi cho hóa đơn tài chính. Nhật Bản rút khoảng 2.000 tỷ yen mỗi năm từ khoản thặng dư này cho ngân sách tài khoản chung mỗi năm tài chính và số tiền này cũng được dành cho chi tiêu quốc phòng.

Nếu thặng dư tăng lên, chính phủ có thể sẽ rút thêm tiền cho ngân sách hoặc thảo luận về cách sử dụng số tiền đó. Sau sự can thiệp vào năm 2022, một số nhà lập pháp đối lập đã thúc đẩy những khoản lợi nhuận chưa thực hiện được từ tài khoản để chi cho việc kích thích kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục