Đột phá của ngành thời trang cho tương lai hậu đại dịch COVID-19

16:22' - 05/10/2021
BNEWS Trong khi nhiều hãng thời trang "bế tắc" với những buổi trình diễn trực tuyến, các tên tuổi đình đám như Dior, Balenciaga, Stella McCartney... đã trở lại với sàn catwalk.

Tuần lễ thời trang Paris (Pháp) đã bế mạc vào ngày 4/10, sau 9 ngày diễn ra tưng bừng với nhiều thử nghiệm đổi mới cho thấy cách ngành công nghiệp này đang nắm bắt công nghệ và triển khai những cách tiếp cận đột phá cho một tương lai hậu đại dịch COVID-19.

Trong khi nhiều hãng thời trang "bế tắc" với những buổi trình diễn trực tuyến, các tên tuổi đình đám như Dior, Balenciaga, Stella McCartney hay thậm chí là Yves Saint Laurent - nhà mốt đầu tiên chấm dứt trình diễn trực tiếp khi đại dịch COVID-19 bùng phát - đã trở lại với sàn catwalk.

Sự trở lại của họ mang tới những bước ngoặt mới, trong đó đúc rút các bài học kinh nghiệm trong quá trình phong tỏa cũng như những xu thế bảo vệ môi trường.

Trong số những buổi trình diễn catwalk sáng tạo nhất phải kể đến thương hiệu Balenciaga. Nhà mốt này đã "đánh lừa" những vị khách của mình, biến họ thành một phần của bối cảnh sân khấu.

Bước trên thảm đỏ, các khách mời không biết rằng những người mẫu đang di chuyển ngay bên cạnh họ, cho đến khi một màn hình lớn cho thấy điều này, đồng thời nhấn trọng tâm vào những bộ trang phục nằm trong bộ sưu tập được giới thiệu.

Ranh giới giữa khách mời và người mẫu cũng biến mất khi một số gương mặt nổi tiếng được mời làm người mẫu của chương trình, trong đó bao gồm cả tay đua Công thức 1 Lewis Hamilton và nữ diễn viên Isabelle Huppert.

Một lợi thế của các chương trình trình diễn thời trang trực tuyến trong thời đại dịch là chúng mang đến cho người xem thời gian và không gian thực sự để quan sát và đánh giá các bộ trang phục.

Nhà mốt Dior đã tiếp thu ý tưởng đó, sử dụng một sân khấu chuyển đổi các góc nhìn theo kiểu gameshow, điều này cho phép khán giả có thể quan sát người mẫu và các bộ trang phục từ nhiều góc độ.

Christian Louboutin - thương hiệu đã sáng tạo nên những mẫu giày gót thấp đế đỏ nổi tiếng - đã đưa khán giả vào không gian kỹ thuật số trước khi giới thiệu những đôi giày trên sàn diễn.

Những kiệt tác này được phóng đại trên màn hình với các hiệu ứng kỹ thuật số, trong khi các vũ công trình diễn chúng theo nhịp nhảy múa.

Ngôi sao trẻ người Pháp Marine Serre đã chiếu phim cho hàng trăm khách mời cùng thưởng thức trong một buổi tối đặc biệt ở Paris, "nhằm mang lại cho người xem cảm giác ấm cúng và sự thích thú".

Các bộ trang phục được trưng bày để khách mời có thể trực tiếp chạm vào và cảm nhận, trong khi bản thân Serre cũng mặc một bộ trang phục thuộc bộ sưu tập này để trao đổi trực tiếp với khách.

Một số nhà thiết kế đã khẳng định quyết tâm tạo ra những động lực rõ rệt trong vấn đề môi trường. Stella McCartney trưng bày chiếc túi đầu tiên được làm từ Mylo - một chất liệu mới được trồng từ sợi nấm nhưng lại sánh ngang với kiểu dáng và cảm giác của da động vật.

Đây là một phần trong bộ sưu tập có xu hướng thiên nhiên, với âm nhạc được truyền cảm hứng từ loài nấm. Trong khi đó, Gabriella Hearst cũng tuyên bố 58% trong số các thiết kế của bà cho Chloe được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường.

Còn thương hiệu Botter của Hà Lan lại sử dụng rác thải nhựa thu hồi từ biển để làm bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thủy sinh./.

>>>Primark - thành danh từ chiếc áo 3,5 USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục