Dự án bị đình trệ - nguồn cung nhanh nhất cho thị trường bất động sản

17:31' - 28/10/2024
BNEWS Nguồn cung nhanh nhất, kịp thời nhất cho thị trường bất động sản là các dự án đã và đang triển khai nhưng gặp một số vướng mắc, khiến bị đình trệ.

Gỡ được khó khăn đó sẽ nâng cao hiệu quả, phục hồi thị trường này - đó là chia sẻ bên hành lang Kỳ họp ngày 28/10 của một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

 

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), một trong những khó khăn mà các địa phương gặp phải khi triển khai các dự án nhà ở xã hội là việc hệ thống pháp luật thiếu tính thống nhất, nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo và chậm được tiến hành, nhất là các quy định về quy hoạch, quy trình thủ tục. “Đặc biệt khó khăn là việc triển khai quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội để có được nguồn cung phù hợp với nhu cầu, nhất là vấn đề giá cả”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đề cập đến tình trạng mất cân đối cung, cầu nghiêm trọng đối với các dự án bất động sản, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra hiện tượng này cũng như tình trạng mất cân đối trong cơ cấu bất động sản đưa ra thị trường. Thị trường có quá nhiều sản phẩm ở phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi lại quá thiếu các dự án bất động sản có mức giá phù hợp với người thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho người lao động.

“Vấn đề này có trách nhiệm của cơ quan quản lý, đặc biệt là trong quy hoạch các quỹ đất đối với từng loại dự án. Việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cũng cần phải hài hòa hơn để có được dự án ở các phân khúc, phân cấp dành cho người thu nhập thấp, những dự án đa số người dân có thể đáp ứng được, mua được, tiếp cận được. Cơ chế bán nhà hiện nay vẫn đang tập trung quá nhiều vào bán nhà cho người dân mà chưa khai thác được các hình thức khác như thuê mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Chia sẻ về tình trạng đầu cơ, “thổi giá” làm "méo mó” thị trường bất động sản, đại biểu đoàn Cần Thơ nhấn mạnh, trong giai đoạn giám sát từ năm 2015 đến năm 2023 đã có rất nhiều thời điểm xảy ra tình trạng này. Không chỉ tại nội đô những đô thị, thành phố lớn, ngay đối với khu vực ngoại thị, khu vực xa thành phố cũng xuất hiện tình trạng “thổi giá” bất động sản. Đặc biệt, qua các phiên đấu giá, có hiện tượng một nhóm người, một nhóm tổ chức có sự liên kết với nhau để đặt giá cao sau đó bỏ cọc để tạo nên những mặt bằng giá mới, những “cơn sốt ảo” về giá cả cho thị trường bất động sản.

“Hiện nay Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao đã kết hợp với các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra để có chính sách phù hợp, hạn chế tình trạng này, đưa thị trường bất động sản lành mạnh trở lại với giá trị thực của nó”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Ủng hộ các đề xuất mới của Chính phủ nhằm giúp người dân được tiếp cận với nhà ở, tránh lãng phí nguồn lực, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có rất nhiều dự án bỏ hoang hàng chục năm với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Mới đây, Chính phủ có đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua 2 Nghị quyết nhằm tháo gỡ việc này. Theo đó, một trong hai nghị quyết là cho triển khai các dự án đã có kết luật thanh tra, kiểm tra, có bản án của tòa án thì tháo gỡ và những dự án đã được cấp có thẩm quyền kết luận, trách nhiệm cũng đã xử lý hết nhưng vẫn còn vướng mắc thì cho triển khai tiếp. Nghị quyết còn lại là đề xuất của Chính phủ liên quan đến triển khai nhà ở thương mại thông qua chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất có thể chuyển sang thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà không cần phải đất ở như trong quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.

“Tôi nghĩ đây là giải pháp rất hiệu quả để chúng ta có thể triển khai tiếp các dự án còn bỏ hoang, lãng phí. Hai Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ, tạo được nguồn cung bất động sản ra thị trường tương đối lớn và sẽ giải quyết được tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung cầu trên thị trường hiện nay”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chia sẻ bên hành lang Kỳ họp, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cũng cho rằng bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản, ngoài những vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án do văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo và chậm được tiến hành, thì nổi lên là sự “lệch pha”. Đó là giá nhà cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu về nhà; phân khúc nhà ở xã hội quá thiếu so với nhu cầu; có địa phương dư thừa nhu cầu song quy hoạch vị trí của nhà ở xã hội lại không phù hợp. “Những điều này làm gia tăng rủi ro, gia tăng chi phí, kéo giảm tính hiệu quả và từ đó làm tăng giá bất động sản”, đại biểu nhấn mạnh.

Khẳng định “vẫn cần tích cực hơn rất nhiều trong việc rà soát pháp lý của các dự án để xem có còn vướng mắc”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, song hành với đó là khẩn trương ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành các luật mới vừa được ban hành. “Trong ngắn hạn, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tạo được nguồn cung. Mà nguồn cung nhanh nhất, kịp thời nhất bây giờ là phải gỡ bằng được vướng mắc của các dự án đã, đang triển khai nhưng gặp một số vướng mắc, khiến bị đình trệ. Gỡ được vấn đề này không chỉ nâng cao hiệu quả, phục hồi thị trường bất động sản mà còn tạo nguồn cung cho thị trường này”, đại biểu Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục