Dự án dời đô sẽ định hình cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Indonesia

06:30' - 05/02/2023
BNEWS Ngày 10/1, khi ông Anies Baswedan, ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Indonesia, nói rằng kế hoạch di dời thủ đô thiếu sự tham gia của công chúng và đã gây ra một cơn bão tranh cãi.

Trong một cuộc thảo luận do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore tổ chức, khi được hỏi liệu ông có ủng hộ kế hoạch dời thủ đô đến đảo Borneo nếu trở thành tổng thống hay không, ông Anies - cựu Thống đốc Jakarta nói: "Chúng tôi đã không có những cuộc đối thoại cởi mở, chuyên sâu và rộng rãi về lý do cần thành lập thủ đô mới và tại sao chúng tôi cần di dời".

Tuy nhấn mạnh rằng kế hoạch này có quy trình chính trị rất tối thiểu, sự tham gia của công chúng rất tối thiểu, ông Anies cũng nói rằng "đây không còn là một đề xuất nữa mà đã là luật", báo hiệu rằng việc hủy bỏ kế hoạch này đối với ông sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Theo tờ Nikkei Asia, nhận xét của ông Anies minh họa lý do chính khiến các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy không chắc chắn về cơ hội kinh doanh ở thành phố thủ đô mới Nusantara của Indonesia. Mặc dù Indonesia đã bắt đầu chuẩn bị cho việc di dời, song họ khó có thể đặt cược vào các dự án liên quan, ít nhất cho tới cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2/2024.

Dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), việc di dời thủ đô là ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng di sản chính trị của mình. Năm ngoái, Hạ viện đã thông qua Luật về thủ đô mới. Nhưng về mặt kỹ thuật, tân Tổng thống sẽ có thể hủy bỏ việc di dời nếu nhà lãnh đạo này đề xuất sửa đổi Luật thủ đô quốc gia và nếu các sửa đổi đó giành được sự ủng hộ tại Hạ viện.

Noory Okthariza, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Jakarta, nhận định: "Ông Anies có thể từ bỏ kế hoạch di dời", song cũng cho rằng còn quá sớm để chắc chắn rằng ông Anies sẽ rút lại kế hoạch di dời. Ông Noory nói: "Ông ấy chưa vạch ra kế hoạch kỹ lưỡng về việc này, vì vậy chúng ta chưa thể xác định được quan điểm của ông ấy. Đối với tôi, có vẻ như ông Anies vẫn tỏ ra thận trọng về việc đưa ra một quan điểm mạnh mẽ".

Thật vậy, đó là khoảnh khắc hiếm hoi ông Anies chia sẻ suy nghĩ của mình về Nusantara để tránh phản ứng dữ dội trong nước, đặc biệt là trước các cuộc bầu cử. Piter Abdullah, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Segara có trụ sở tại Jakarta, cho rằng ít nhất là vào lúc này, ông Anies sẽ không được bầu làm tổng thống nếu ông ấy công khai tuyên bố chống lại tất cả các chính sách của ông Jokowi.

Cho đến nay, các ứng cử viên khác cũng tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra tuyên bố rõ ràng về kế hoạch dời đô. Ông Okthariza nói thêm: "Nhưng mọi thứ có thể khác trong những tháng tới khi cuộc bầu cử đến gần hơn và các ứng cử viên có nhu cầu mạnh mẽ hơn để tạo sự khác biệt với nhau".

Hiện ông Anies vẫn nằm trong số ba ứng cử viên tổng thống được yêu thích nhất, với khả năng phiếu bầu đạt 22,8% theo một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm ngoái của viện thăm dò dư luận Indikator Politik Indonesia có trụ sở tại Jakarta. Hai người còn lại là Ganjar Pranowo, Thống đốc tỉnh Trung Java, và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, với tỷ lệ lần lượt là 29,5% và 19,5%.

Cả ông Pranowo - thành viên của Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) cầm quyền mà ông Jokowi là thành viên - và ông Subianto dường như đang tuân theo kế hoạch di dời thủ đô của Tổng thống Jokowi. Ngày 9/12, trao đổi với cơ quan truyền thông địa phương BTV, ông Pranowo khẳng định: "Bất kỳ ai trở thành lãnh đạo đều sẽ thề tuân thủ các quy định của luật pháp, nghĩa là luật pháp phải được thực thi".

Về phần mình, ông Subianto cũng được cho là sẽ tiếp tục dự án nếu ông được bầu làm tổng thống. Phát biểu trong chuyến thị sát Nusantara cùng Tổng thống Jokowi vào năm 2021, ông Subianto nói: "Tôi rất ủng hộ việc di dời thủ đô… chúng ta phải tiếp tục. Chúng ta phải can đảm để di dời thủ đô và tách chính phủ ra khỏi trung tâm tài chính, thương mại và công nghiệp".

Một số ứng cử viên, chủ yếu thuộc phe đối lập, đã bày tỏ sự không đồng tình với việc di dời. Hồi tháng 12, Ahmad Syaikhu, Chủ tịch đảng đối lập PKS, đã chỉ trích dự án này, tuyên bố "PKS yêu cầu việc tiếp tục chương trình phát triển IKN (thành phố thủ đô mới Nusantara) phải được tính toán cẩn thận và xem xét tất cả các rủi ro".

Trong khi đó, ông Agus Harimurti Yudhoyono, Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập, không chỉ trích mà đặt câu hỏi về dự án này. Phát biểu hồi tháng 9/2022, ông Agus nói: "IKN phải được lên ý tưởng, lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể. Nếu không, quá trình phát triển có thể thất bại".

Đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta, trong nhiều thập kỷ là trọng tâm phát triển của đất nước dưới thời các chính phủ trước đây, dẫn đến sự tập trung cao và bất cân đối về các hoạt động kinh tế và dân số.

Viện dẫn các vấn đề về giao thông, ô nhiễm, quá đông đúc và ngập lụt ở khu vực ven biển của Jakarta, bên cạnh nhu cầu về động lực kinh tế mới bên ngoài đảo Java, Tổng thống Jokowi đã công bố kế hoạch di dời thủ đô ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ hai vào cuối năm 2019. Việc di dời thủ đô đến giữa một khu rừng ở tỉnh Đông Kalimantan ban đầu dự kiến bắt đầu vào năm 2024, trước khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc.

Tuy nhiên, lịch trình hiện tại vẫn chưa rõ ràng do một số trở ngại, trong đó có đại dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Quan trọng hơn, nhiều điều không chắc chắn vẫn bao trùm siêu dự án này, đặc biệt là khi thời gian tại vị của ông Jokowi sắp kết thúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục