Dự báo giá cà phê tuần này

13:56' - 17/10/2017
BNEWS Với sức ép bán ra đang tiếp diễn, giá cà phê khó có thể tăng trong khi nguồn cung ứng hàng thực và hàng giấy đang chực chờ.

Diễn biến thị trường cà phê từ 8/10 - 14/10

Giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn có một tuần dao động khá mạnh với kết quả đóng cửa đều giảm so với tuần kết thúc ngày 6/10. Đóng cửa phiên 13/10, giá robusta London chốt mức 2009 USD/tấn, giảm 6 USD so với tuần trước nhưng vượt khỏi mức tâm lý quan trọng là 2000 USD/tấn.

Sàn kỳ hạn arabica New York yếu hơn với mức đóng cửa cuối tuần tại 126.45 cts/lb chỉ trên đáy của cả tuần 1 cts/lb đó là 125.40 và mất 3.55 cts/lb (xem hình 1).

Trước đó thị trường đều lo lắng cho vùng cà phê arabica Brazil khô hạn. Nhưng tuần qua mưa đã về, hoa nở rộ trên các rừng cà phê bạt ngàn của nước sản xuất đứng đầu thế giới. Các quỹ đầu tư lo ngại mình mua “hớ” và nhanh chóng thanh lý lượng dư mua và tăng cường bán mới trên sàn làm có ngày rớt trên 4 cts/lb.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê nguyên liệu có lúc xuống dưới mức 43 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mấy ngày cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn London phục hồi quay về mức 43,7 triệu đồng/tấn, giảm 0,8 triệu đồng/tấn.

Dự báo giá cà phê tuần từ 16/10 - 21/10: Hai sàn cà phê đi lệch pha

Tại hai ngày cuối tuần, trong khi giá kỳ hạn robusta đóng cửa tăng vững thì sàn New York vẫn xu hướng giảm.

Sau khi chạm đáy trong tuần tại 1958 USD/tấn vào ngày 11/10, giá kỳ hạn robusta đảo chiều tăng mạnh hai ngày tiếp sau đó để có lúc chạm đỉnh 2029 USD/tấn. Tuy nhiên, giá London quay về giằng co tại khu vực 2010-2020 mà không thể lên cao hơn do các quỹ đầu tư và các nước sản xuất bán mạnh.

Về kỹ thuật, giá cà phê vẫn không đủ lực để vượt 2040 USD/tấn trong tuần qua. Khu vực giằng co trong tuần này nếu có cơ hội, vẫn ở khung 2020-2040. Miễn qua khỏi 2040, giá cà phê kỳ hạn London tháng 12/17 tìm đường lên giao dịch khu vực 2065-2080 (xem hình 2).

Tuy nhiên với sức ép bán ra đang tiếp diễn, hướng tăng xem ra khá khó khăn trong khi nguồn cung ứng hàng thực và hàng giấy đang chực chờ.

Hướng xuống chắc sẽ khó sâu vì khi chạm 1958 USD, London đã bật lên lại. Chỉ khi nào giá sàn này chạm và đóng cửa dưới mức 1914 USD/tấn, thì đấy là dấu hiệu xấu và bấy giờ chắc thị trường phải “sống chung với lũ”.

Trên sàn New York, đóng cửa tại 126.45 cts/lb bộc lộ ý định muốn xuống nữa. Nếu giữ được mức này như trong hai ngày giao dịch cuối tuần trước, để chứng tỏ muốn tăng, sàn arabica cần vượt khỏi 128.40. Còn bao lâu quay xuống 124.40 cts/lb, thì đó là dấu hiệu giá arabica muốn về hoạt động khu vực thấp 119/120 cts/lb.

Thị trường cà phê trong nước: Sức mua yếu và không đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho giá cà phê sau này

Thật rất đáng ngạc nhiên là giá kỳ hạn cà phê không tăng mà còn có khuynh hướng yếu dù hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam trong những tháng gần đây đều giảm lượng xuất khẩu.

Khối lượng xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 09/17 lại giảm 20% và cả niên vụ 2016/17 của Việt Nam giảm 15% xuống còn 24,7 triệu bao (60 kg x bao).

Đó là yếu tố cần lưu ý cho giá cà phê sau này khi vào chính vụ. Brazil giảm xuất khẩu không có nghĩa rằng nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới bị mất mùa mà có thể do các yếu tố khác tác động như tiền tệ hay tồn kho tại trong tay các nước nhập khẩu còn lớn. Thị trườngcà phê arabica đã vậy, mua bán cà phê robusta cũng không khác mấy.

Biến đổi khí hậu làm sản lượng cà phê thế giới bấp bênh và chất lượng không ổn định. Do đó có tin đồn rằng một số hãng công nghiệp thực phẩm đang thay đổi cách mua bán, không đặt hàng mua cho suốt năm như các niên vụ trước mà quay lại với cách “cần lúc nào mua lúc nấy”.

Như vậy, kèm với thông tin về sản lượng thất thường, chất lượng không ổn định, nay các ông lớn trong ngành công nghiệp cà phê mua bán “theo tình hình”, thì khả năng giá cà phê thế giới và trong nước càng dao động mạnh. Đặc biệt cần lưu ý cách mua bán mới sẽ tạo ra những cơn co giật do sức ép bán ra hay nhu cầu cần kíp và bất ngờ của thị trường.

Trong tuần qua, giá cà phê nội địa yếu dần. Dù cả tuần sàn kỳ hạn robusta chỉ mất 6 USD/tấn nhưng giá nội địa giảm gần 1 triệu đồng/tấn. Điều này chứng minh rằng nhu cầu mua hàng xuất khẩu không mạnh đã tạo nên sức ép lên giá.

Hiện nay, giá xuất khẩu đang được các nhà kinh doanh trả quanh mức trừ 70-80 USD/tấn dưới giá niêm yết sàn London cơ sở giao dịch tháng 01/18. Mức 43,7 triệu đồng/tấn chưa cộng phí làm hàng tương đương với 1925 USD/tấn, chỉ cách biệt với giá tháng 01/18 đúng 57 USD/tấn, dưới giá thành từ 15-20 USD/tấn.

Các nhà xuất khẩu trong nước khó chấp nhận thua lỗ nên phải quay sang hạ giá mua trên thị trường. Nên thật khó tưởng tượng giá nội địa trong tuần này tăng mạnh do các yếu tố như đã nói trên. Nếu giữ được mức hiện nay sẽ được cho là lý tưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục