Thị trường dầu mỏ thế giới biến động mạnh trong nửa đầu năm 2025

09:30' - 07/07/2025
BNEWS Theo tổng hợp của trang chuyên ngành Oilprice, giá dầu đầu năm 2025 lao dốc mạnh do Mỹ áp dụng các mức thuế quan mới và OPEC+ tăng sản lượng dầu.
Nửa đầu năm 2025 ghi nhận sự biến động lớn của giá dầu thô toàn cầu, dưới tác động của các chính sách thương mại của Mỹ, những quyết định sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), cùng với căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông.

 
Theo tổng hợp của trang chuyên ngành Oilprice, giá dầu đầu năm 2025 lao dốc mạnh do Mỹ áp dụng các mức thuế quan mới và OPEC+ tăng sản lượng dầu. Động thái này khiến giới đầu tư trên thị trường năng lượng chuyển sang tích trữ các vị thế bán khống, đặt cược vào xu hướng giảm của giá dầu.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2025, giá dầu bất ngờ tăng vọt do lo ngại bùng phát xung đột giữa Iran và Israel. Cuộc xung đột kéo dài 12 ngày tại Trung Đông khiến thị trường lo sợ nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực này, trong đó có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz – tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược toàn cầu.

Giá dầu Brent trong tháng 6/2025 có lúc vượt mốc 80 USD/thùng, tăng hơn 30% chỉ trong ba tuần, trước khi sụt mạnh trở lại sau khi Mỹ làm trung gian đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Diễn biến này dẫn đến một đợt tháo chạy khỏi các vị thế mua, khiến giá dầu Brent và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng lao dốc khoảng 12% chỉ trong hai ngày – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2022.

Trước đó, trong quý I/2025, giá dầu Brent dao động tương đối ổn định trong khoảng 75–77 USD/thùng. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại trong bối cảnh sản lượng từ OPEC+ vẫn đang giảm. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu duy trì lạm phát ổn định cũng giúp duy trì niềm tin vào thị trường.

Tuy nhiên, bước sang quý II, thị trường tiếp tục chịu tác động tiêu cực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế thương mại toàn diện đối với nhiều quốc gia, trong đó có cả Canada – đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Chính sách thuế quan này, dù hiện đã được tạm ngưng, từng khiến cả thị trường chứng khoán lẫn dầu mỏ chao đảo.

Cùng thời điểm, OPEC+ triển khai kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng lên thêm 411.000 thùng/ngày – gấp ba lần mức đề xuất ban đầu – với lập luận thị trường đã ổn định và đủ sức hấp thụ lượng cung bổ sung. Động thái này càng gia tăng áp lực giảm giá trong tháng 4 và 5.

Đến cuối tháng 6/2025, giá dầu Brent được ghi nhận ở mức khoảng 68 USD/thùng, phản ánh sự thận trọng của giới đầu tư trước cuộc họp quan trọng tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra trong tuần này. Các nhà phân tích dự báo thị trường dầu sẽ tiếp tục biến động, tùy thuộc vào những quyết định điều chỉnh sản lượng sắp tới cũng như các yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Nửa đầu năm 2025 đã cho thấy rõ tính nhạy cảm cao của thị trường dầu mỏ trước các yếu tố chính trị, thương mại và cung–cầu. Trong bối cảnh đó, giới giao dịch dầu mỏ buộc phải điều chỉnh chiến lược liên tục nhằm thích ứng với những biến chuyển bất ngờ và khó lường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục