Nhật Bản xem xét cải thiện điều kiện lao động để mở rộng sản xuất gạo

09:30' - 07/07/2025
BNEWS Dự kiến Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ tổ chức một hội đồng chuyên gia trong tháng này để xem xét lại chế độ ngoại lệ cho ngành nông nghiệp.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc quy định bắt buộc các nông hộ cá thể quy mô nhỏ phải tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động nếu thuê người làm trong lĩnh vực nông nghiệp, như một biện pháp nhằm củng cố nền tảng sản xuất và thu hút thêm lao động mới, qua đó thúc đẩy cải cách chính sách nông nghiệp, bao gồm tăng sản lượng gạo.

 
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ý tưởng này xuất phát từ đặc thù công việc trong lĩnh vực nông nghiệp thường liên quan đến vận hành máy móc nguy hiểm, cùng với điều kiện làm việc ngoài trời ngày càng khắc nghiệt và tuổi tác nông dân ngày càng cao.

Theo quy định hiện nay tại Nhật Bản, mọi chủ sử dụng lao động thuê người đều bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lâu nay được coi là ngoại lệ khi các nông hộ cá thể thuê dưới 5 lao động thường trực thì chỉ được khuyến khích là đóng bảo hiểm tự nguyện.

Nhiều nông hộ chỉ thuê người thời vụ trong giai đoạn cao điểm như cấy lúa hay thu hoạch, ngoài ra, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại thói quen “làm việc tập thể” hoặc “đổi công” nên không rõ quan hệ thuê mướn để điều chỉnh quy định về đóng bảo hiểm. Cũng có nhiều trường hợp công việc nông nghiệp chỉ gói gọn là người trong gia đình nên về nguyên tắc không thuộc phạm vi phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc.

Dự kiến Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ tổ chức một hội đồng chuyên gia trong tháng này để xem xét lại chế độ ngoại lệ cho ngành nông nghiệp. Sau đó, vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội đồng Chính sách Lao động, cơ quan tư vấn của Bộ trưởng để quyết định phương hướng cuối cùng.

Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp ước tính có tới 120.000 chủ nông hộ trên cả nước thuê lao động ngắn hạn. Nếu quy định tham gia bắt buộc được áp dụng, sẽ có khả năng hàng trăm ngàn người sử dụng lao động và người lao động sẽ nằm trong diện điều chỉnh. Ví dụ, với một lao động có thu nhập khoảng 3 triệu yen/năm (hơn 20.000 USD), chủ sử dụng sẽ phải đóng số tiền bảo hiểm là khoảng 40.000 yen/người/năm (khoảng 276 USD) cho người lao động.

Việc bắt buộc tham gia bảo hiểm cũng đặt ra các thách thức như cần nắm bắt rõ tình hình lao động và gánh nặng hành chính cho chủ nông hộ. Nếu không thể chuyển chi phí bảo hiểm vào giá bán nông sản, điều này có thể trở thành yếu tố làm giảm thu nhập thực tế của nông dân.

Theo Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ các ca tử vong do tai nạn lao động nông nghiệp trong năm 2022 là 11,1/100.000 lao động và đang có xu hướng tăng. Con số này cao gấp đôi so với ngành xây dựng là 5,9/100.000 lao động. Trong số các tai nạn, 63,9% xảy ra khi vận hành máy móc nông nghiệp và 12,2% do say nắng.

Những đợt nắng nóng gần đây cũng làm tăng rủi ro. Tỷ lệ tử vong do say nắng trong tổng số tai nạn chết người đã tăng từ 5,4–8,0% (trong giai đoạn 2013–2017) lên 9,5–15,7% (trong giai đoạn 2018–2022). Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ trung bình trong nước tháng 6 vừa qua cao hơn mức trung bình nhiều năm 2,34 độ C, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1898.

Nếu lao động chưa tham gia bảo hiểm bị tử vong trong khi làm việc, chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ bồi thường theo Luật Tiêu chuẩn Lao động. Nếu chủ sử dụng không đủ khả năng chi trả, có nguy cơ người lao động không được bồi thường đầy đủ.

Thủ tướng Shigeru Ishiba trong cuộc họp các bộ trưởng liên quan ngày 1/7 đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuyển sang một chính sách lúa gạo mới để đảm bảo thu nhập tốt cho những người sản xuất và giúp họ yên tâm tăng sản lượng”. Ông cho rằng việc tạo dựng môi trường thu hút lao động mới tham gia sản xuất nông nghiệp là điều không thể thiếu cho nỗ lực tăng sản lượng.

Ngoài bảo hiểm tai nạn lao động, các cơ chế khác để hỗ trợ thu nhập và ổn định đời sống nông dân còn bao gồm bảo hiểm thu nhập và các biện pháp giảm thiểu tác động khi thu nhập giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục