Dự báo nhu cầu đi máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024

20:22' - 23/10/2023
BNEWS Theo các chuyên gia hàng không, dựa trên nhu cầu về quê sum họp gia đình, thăm người thân và du lịch vào dịp Tết Nguyên đán, dự đoán nhu cầu đi lại dịp Tết Âm Lịch 2024 sẽ tăng cao so với năm 2023.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường giai đoạn cao điểm này, các hãng hàng không Việt Nam bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco mở bán hơn 6 triệu vé với đa dạng lựa chọn cho hành khách.

 

Để chủ động phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa và đảm bảo trật tự, an toàn trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam báo cáo về nhu cầu thị trường, kế hoạch khai thác, nhu cầu sử dụng slot tại các cảng hàng không, sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ ngày 25/01/2024 đến ngày 24/02/2024, tức ngày 15 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần báo cáo kế hoạch tăng tải cung ứng trên các đường bay cụ thể trong giai đoạn cao điểm Tết, trong đó so sánh, đánh giá với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và kiến nghị (nếu có) liên quan đến việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trong giai đoạn này.

Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa công bố số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy của các hãng hàng không Việt Nam trong 9 tháng năm 2023.

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Hàng không Việt Nam, lũy kế 9 tháng, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 221.197 chuyến bay; trong đó, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cung ứng trên 100.000 chuyến, chiếm khoảng 45% thị phần khai thác; Vietjet Air 83.933 chuyến chiếm 38%; Bamboo Airways 32.538 chuyến, tương ứng khoảng 15% tổng số chuyến bay.

Cũng theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không nội địa ghi nhận 15% chuyến bay chậm giờ, tương ứng 33.227 chuyến bay; 715 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,3%.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng bao gồm: trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý và điều hành bay; hãng hàng không; thời tiết; tàu bay về muộn và các lý do khác; trong đó, tàu bay về muộn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong giai đoạn này.

Cụ thể, Vietjet Air dẫn đầu về chuyến bay bị chậm (delay) với 16.520 chuyến bay, chiếm tỷ lệ gần 20% trong tổng số chuyến bay hãng thực hiện.

Hãng bay có tỷ lệ chuyến bay bị delay nhiều thứ 2 là Pacific Airlines với 2.559 chuyến bay, với tỷ lệ 15,8%. Vietravel Airlines có 10.671 chuyến chậm, chiếm 13,5% tổng số chuyến bay của hãng.

Bamboo Airways có 2.470 chuyến chậm, chiếm 7,6% số chuyến bay hãng thực hiện. Như vậy, Bamboo Airways tiếp tục giữ vững ngôi đầu là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao nhất toàn ngành trong 9 tháng và ít chậm chuyến nhất toàn ngành hàng không nội địa.

Cũng theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam, toàn ngành hàng không giai đoạn này có tỷ lệ hủy chuyến là 0,3%. Trong ba hãng hàng không nội địa lớn nhất, Bamboo Airways cũng là hãng có tỷ lệ thấp với 0,2% chuyến bay bị hủy.

Bên cạnh đó, 9 tháng năm 2023, trong số chuyến bay các hãng hàng không Việt Nam khai thác có 187.970 chuyến đúng giờ, chiếm tỷ lệ 85% tổng số chuyến bay.

So sánh với tỷ lệ chung toàn ngành, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của Bamboo Airways là 92,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn ngành là 85%.

Vasco và Vietravel đứng ở các vị trí tiếp theo với tỷ lệ lần lượt là 91% và 87,2%. Vietnam Airlines và Pacific Airlines lần lượt có tỷ lệ cất cánh đúng giờ là 86,5% và 84,2%. Vietjet Air là hãng có tỷ lệ bay đúng giờ thấp nhất trong giai đoạn này với 80,3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục