Dự báo sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm khởi sắc

14:01' - 18/10/2023
BNEWS Có 76,3% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định)...

Ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nhận định: hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn.

Theo báo cáo Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023. Theo đó, có 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (39,1% tốt hơn, 37,2% giữ ổn định); 23,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ số cân bằng. Cụ thể, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 là 15,4% . Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với 17,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 16,6%; khu vực doanh nghiệp FDI 12,2%.

Bên cạnh đó, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý III/2023 là 14%; chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý IV/2023 so với quý III/2023 là 0,3%; chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý IV/2023 so với quý III/2023 là 15,8%…

Như vậy, kết quả điều tra cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tích cực hơn vào quý III/2023. Dự báo quý IV/2023 khả quan hơn khi ba chỉ số cân bằng đạt mức từ 14-16%. Trong khi chỉ số cân bằng chung quý III/2023 so với quý II/2023 là -2,3%, các chỉ số cân bằng thành phần chỉ đạt mức từ -11,1% đến -1,6%.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã phục hồi tích cực hơn quý III/2023. Doanh nghiệp nhà nước với chỉ số cân bằng chung là 3,7% khả quan hơn doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

“Trong quý III/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga cho hay.

Chỉ ra nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 9 tháng năm 2023; trong đó, giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu giảm 25,1%, cao su giảm 18,7%, dầu thô giảm 15,8%, hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón giảm 35,4%... Chỉ có một số ít mặt hàng đạt mức giá cao kỷ lục do nhu cầu tăng cao như cà phê tăng 9,9% lên mức bình quân 2.499 USD/tấn, gạo tăng 14% lên mức bình quân 553 USD/tấn.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…”, Bộ Công Thương cho hay.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

Theo đó, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Hơn nữa, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này cũng sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

“Chính phủ tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất.

Về phía các doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; đồng thời, kiến nghị Chính phủ kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Cùng với đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục