Sản xuất công nghiệp Ninh Bình vượt qua thách thức

08:30' - 15/10/2023
BNEWS Theo Cục Thống kê Ninh Bình, trong 9 tháng qua, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu diễn ra trong nhiều khó khăn nhưng với các giải pháp đồng bộ, 2 lĩnh vực này bắt đầu có sự phục hồi.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nhu cầu thị trường trong nước thấp trong khi tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp nên các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, thậm chí còn bị hủy các đơn đặt hàng đã ký.

Cùng đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí năng lượng, vận chuyển logistics tăng cao và biến động liên tục, nhưng lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất lao động một số ngành công nghiệp đạt thấp, giá thành sản phẩm cao...

Hoạt động công nghiệp trong 9 tháng đầu năm phục hồi chậm, một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh ghi nhận mức giảm sút so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình đó, Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Nịnh Bình cũng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, chỉ số công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 9 ước tính giảm 8,04% so với cùng tháng năm 2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp IIP ghi nhận mức giảm.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 31,65%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,45%, sản xuất và phân phối điện giảm 31,03%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,19%.

Trong 9 tháng năm 2023, IIP toàn tỉnh giảm 2,69%; trong đó, khai khoáng tăng 10,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,85%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,06%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,69%.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, tính theo giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 toàn tỉnh ước đạt hơn 8,133 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng tháng năm trước.

Trong đó, khai khoáng đạt 55,9 tỷ đồng, tăng 29,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5%; sản xuất và phân phối điện đạt 53,5 tỷ đồng, giảm 37,9%; cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải đạt 28,3 tỷ đồng, tăng 6,4%.

Với những giải pháp quyết liệt, lũy kế 9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khai khoáng đạt 458,9 tỷ đồng, tăng 10,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1%; sản xuất và phân phối điện đạt 758,3 tỷ đồng, tăng 0,4%; cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải, nước thải đạt 245,9 tỷ đồng, tăng 9,2%.

Trong 9 tháng đầu năm 2023 các sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 là: đá các loại tăng 9,9%; ngô ngọt đóng hộp tăng 37,3%; nước dứa tươi tăng 52,3%; thức ăn gia súc tăng 14,9%; linh kiện điện tử tăng 7,3%; kính máy ảnh tăng 84,7%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sâu là quần áo các loại giảm 35,6%; giày dép các loại giảm 17,2%; xi măng (kể cả clanke) giảm 24,7%; modul camera giảm 28,9%; tai nghe điện thoại di động giảm 53,6%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên giảm 14,0%; xe ô tô chở hàng giảm 33,9%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ giảm 15,9%...

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng tháng năm trước như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gấp 2,4 lần; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 77,76%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 24,96%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác gấp 2,3 lần; sản xuất thiết bị điện gấp 3,6 lần; sản xuất xe có động cơ tăng 58,69%...

Về lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm nay ước đạt 2.397,4 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 73,8% so với kế hoạch năm.

Giá trị nhập khẩu tháng 9 ước đạt 239 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 9 tháng năm nay ước đạt 2.069,3 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 62,7% kế hoạch năm.

Cùng với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, mức độ khó khăn nhiều hơn ở quý I, quý II, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm, hoãn hủy, do đó giá trị xuất khẩu giảm mạnh: quý I giảm 5,7%; quý II giảm 2,9%.

Giá trị nhập khẩu giảm sâu: quý I giảm 22,0%; quý II giảm 18,2%, đã ảnh hưởng kép đến hoạt động xuất khẩu do mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Bước sang quý III, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có xu hướng hồi phục, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu. Giá trị xuất khẩu quý III ước đạt 881,5 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu ước đạt 705,1 triệu USD, giảm 12,4% so với quý III năm 2022.

Cục Thống kê Ninh Bình dự báo trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng so với các tháng trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên hoạt động nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng xung đột Nga- Ukraine.

Theo ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, để đạt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trong năm 2023, các cấp ủy, chính quyền cần rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn trong phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực triển khai thực hiện các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch…

Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng theo hướng đi vào thực chất đối thoại hàng tháng với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ ngay, giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu để nâng tỷ lệ giá trị giá tăng của hàng xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục