Dư địa phát triển bất động sản du lịch vẫn rất lớn

17:48' - 19/11/2019
BNEWS Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế.
Quang cảnh toạ đàm chiều 19/11/2019. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam là nội dung chính của tòa đàm do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều ngày 19/11 thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu thị trường cùng lãnh đạo ngành du lịch tham gia.
Trong khoảng gần 10 trở lại đây, sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển và được đẩy lên cao trào.

Đặc biệt, giai đoạn 5 năm trở lại đây, số lượng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hàng năm được tiêu thụ rất mạnh, nhất là tại các vùng có lợi thế cảnh quan, ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh…
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay rất lớn, còn nhiều dư địa.

So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam  không chỉ có ưu thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.

Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn thể hiện qua sự tăng trưởng suốt thời gian qua. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Ngay như thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đã vượt qua khó khăn về dòng vốn eo hẹp.

Các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai vẫn là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn.

Trên thực tế, thị trường hiện có nhiều sản phẩm bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel.
Đồng quan điểm về sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, 5 năm trước, bất động sản nghỉ dưỡng có giá bán rất thấp.

Khi đó, các nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tạo mức sinh lợi ở giá bán. Theo thống kê, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tăng tới 100% trong vòng 5 năm.

Có những dự án khởi điểm cách đây 5 - 7 năm giá chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2 thì thời điểm này mua đi bán lại đã lên đến khoảng 50 – 70 triệu đồng/m2.
Theo ông Đính, mục tiêu sinh lợi vào các sản phẩm bất động sản du lịch chủ yếu là mức giá bán. Sau đó, dần dần giá bán được đẩy lên, các nhà đầu tư lúc này mới xem xét lại các vấn đề như tính pháp lý, tính sở hữu.

Họ bắt đầu thấy rằng, bất động sản du lịch phát sinh nhiều vấn đề bắt buộc phải tháo gỡ. Hiện nay, để phát triển hơn nữa, nhiều dự án đã có sự sáng tạo, tìm tòi phát hiện các vấn đề mới, các mô hình mới.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.

Đặc biệt, Việt Nam đã có những "sếu đầu đàn" về du lịch… Từ đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế.

Du lịch "thăng hoa" sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - ông Nam phân tích.
Ngoài ra, giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch.

Do đó, bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông.
Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.
Theo dự kiến, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường.

Dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch "rất ngon", nhưng không phải ai cũng ăn được - ông Nam đưa ra cảnh báo.
Lý do được ông Nam viện dẫn, đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả.

Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này.
Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực du lịch.

Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Có như vậy, tiềm năng được khơi dậy và sẽ hướng tới sự phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục