Du lịch – chiến lược mềm của Trung Quốc

05:30' - 06/01/2018
BNEWS Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm có khoảng 130 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài (tương đương dân số Nhật Bản), nên nguồn lợi mang lại cho ngành du lịch thế giới là rất lớn.
Khách du lịch Trung Quốc tại phố Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Thời gian qua, Trung Quốc đã và đang áp dụng chiến thuật "ngăn cản" du lịch để gây sức ép về mặt ngoại giao và kiềm chế nước đối thủ.

Trung Quốc đã công khai hạn chế các tour du lịch theo đoàn tới một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, để tránh bị chính các nước đó phản đối, chính quyền Trung Quốc không ban hành các văn bản hành chính mà thường thông qua việc "chỉ đạo miệng".

Theo tìm hiểu của nhật báo Nikkei, một nhân viên lữ hành tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cho biết, sở du lịch địa phương đã triệu tập đại diện công ty và chỉ đạo miệng rằng không được phép bán các tour du lịch theo đoàn tới Hàn Quốc.

Tại Bắc Kinh, một số doanh nghiệp lữ hành cũng nhận được "lệnh cấm" tương tự. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/12/2017 đã bác bỏ thông tin này và khẳng định Bắc Kinh ủng hộ việc giao lưu với Hàn Quốc.

Theo giải thích của một cựu cán bộ Tổng công ty du lịch Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn che giấu việc áp đặt lệnh cấm du lịch (để "trả đũa" một nước nào đó) bởi hành động này đi ngược với tập quán quốc tế. Thay vào đó, họ tiến hành một cách ngấm ngầm để tránh bị nước đối phương phản đối.

Vào tháng 3/2017, sau khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên, các tour du lịch tới Hàn Quốc đã bị cấm bán trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Với những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương, lệnh cấm đối với khu vực Bắc Kinh và Sơn Đông đã được hủy bỏ, nhưng sau đó được áp dụng trở lại ngay trong tháng 12/2017. Sơn Đông là tỉnh có vị trí địa lý gần với Hàn Quốc nên rất nhiều doanh nghiệp và khách du lịch hai nước thường xuyên qua lại lẫn nhau. Còn Bắc Kinh, số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc có trụ sở tại đây cũng rất nhiều.

Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông (2/2018) nên lượng khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc cũng được dự báo là rất đông và sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho Xứ sở Kim Chi. Đây có thể chính là lý do Trung Quốc chọn giải pháp cấm du lịch tới Hàn Quốc để gây thiệt hại kinh tế cho nước này.

Với Nhật Bản, kể từ tháng 9/2017, các đoàn khách du lịch tới Nhật Bản cũng bị áp đặt "lệnh hạn chế" đối với các tỉnh Liêu Ninh, Sơn Đông và Trùng Khánh. Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một số lý do, nhưng nguyên nhân chính vẫn được cho là Trung Quốc có một số điều không hài lòng trong quan hệ song phương với Nhật Bản.

Việc hạn chế cũng được áp đặt tại một số địa phương khác với những hình thức khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là tính thực tiễn cao.

Trên thực tế, Trung Quốc đang trên đường chuyển mình từ nước lớn về du lịch thành cường quốc về du lịch. Liên minh du lịch quốc tế (WTA), tổ chức vừa mới được thành lập từ tháng 9 vừa qua, do người Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo.

Với 130 triệu người đi du lịch mỗi năm, ước tính chỉ riêng số tiền khách du lịch Trung Quốc tiêu dùng khi đi du lịch đã lên tới khoảng 30.000 tỷ yen (270 tỷ USD), chiếm 20% lượng chi tiêu của khách du lịch trên toàn thế giới.

Đây cũng là lý do việc Trung Quốc sử dụng "con bài" này để gây sức ép hòng giành lợi thế về ngoại giao đang trở nên phổ biến hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục