Du lịch công tác - niềm hy vọng sống còn của các hãng hàng không Mỹ

16:08' - 19/04/2024
BNEWS Các hãng hàng không của Mỹ, trong đó có Delta Air Lines, United Airlines và Alaska Airlines, đều báo cáo sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động bay nhờ nhóm khách hàng thường xuyên đi công tác.

Ngày 18/4, hãng hàng không Alaska Air cho biết việc các công ty công nghệ như Amazon.com và Microsoft tăng cường chi tiêu trong quý III đã giúp tăng doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lên mức trước đại dịch. Trong phần lớn thời gian của năm 2023, lượng đặt chỗ cho các chuyên đi công tác đã bị mắc kẹt ở mức khoảng 75% so với mức của năm 2019.

 

Sự gia tăng của nhóm khách hàng đi công tác đã giúp hãng hàng không có trụ sở tại Seattle đạt được kết quả hoạt động mạnh mẽ trong quý kết thúc vào tháng 3/2024, theo truyền thống là giai đoạn yếu kém nhất trong năm.

Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc Tài chính của Alaska Shane Tackett cho biết nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên do hoạt động chi tiêu của các công ty công nghệ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Theo ông Shane Tackett, các công ty công nghệ ở Bờ Tây là những công ty có giá trị nhất thế giới, họ sẽ thường xuyên đi công tác để gặp khách hàng và bán phần mềm.

Tương tự, hãng hàng không United Airlines cho biết đã ghi nhận một số lượng đặt vé công tác lớn nhất trong lịch sử trong năm nay, nhờ nhu cầu từ các công ty dịch vụ, công nghệ và công nghiệp chuyên nghiệp.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc gia Airlines for America (A4A), các chuyến đi công tác đã tạo ra 50% doanh thu cho các hãng hàng không Mỹ trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Sự phục hồi chậm chạp đã buộc các hãng hàng không phụ thuộc vào lưu lượng đi lại phải điều chỉnh lại mạng lưới của mình. Hãng hàng không đã điều chuyển các máy bay cỡ lớn hơn sang các thị trường như Florida và Las Vegas trong quý đầu tiên sau khi thua lỗ trong cùng quý năm 2023, trong khi hãng hàng không American Airlines thiết lập lại các điều khoản trong hợp đồng với các khách hàng doanh nghiệp lớn.

Mặc dù hoạt động đi công tác tăng chủ yếu liên quan đến việc mọi người quay trở lại văn phòng làm việc, song các giám đốc điều hành hãng hàng không cho biết các khách hàng doanh nghiệp đang nới lỏng hầu bao do triển vọng kinh tế được cải thiện.

Tuần trước, Delta cho biết 90% khách hàng doanh nghiệp đang có kế hoạch duy trì hoặc tăng lượt đi lại trong quý hiện tại. Hãng hàng không có trụ sở tại Atlanta dự kiến sẽ thu về doanh thu từ khách hàng doanh nghiệp kỷ lục trong nửa cuối năm nay.

Hãng hàng không Alaska đã nâng dự báo thu nhập năm 2024 do hãng này không đặt kỳ vọng rằng lợi nhuận từ khách hàng doanh nhân sẽ giúp bù đắp chi phí nhiên liệu cao hơn.

Giám đốc tài chính của United, Michael Leskinen, ngày 17/4 cho biết sự phục hồi trong lưu lượng đi lại có ý nghĩa lớn đối với hãng. Mặc dù xu hướng hiện tại đã rất mạnh mẽ, nhưng “tương lai thậm chí sẽ còn tươi sáng hơn.

Tuy vậy, các hãng hàng không của Mỹ trước đó, cảnh báo những kế hoạch tăng cường công suất của họ đang bị hoài nghi khi Boeing chậm trễ bàn giao máy bay trong bối cảnh nhà sản xuất máy bay này đang chìm trong cuộc khủng hoảng về chất lượng.

Ngành hàng không đã cắt giảm dự báo về số lượng máy bay được giao hàng trong năm nay liên quan đến các sự cố của Boeing. Điều này đã tác động đến nỗ lực đáp ứng nhu cầu đi lại kỷ lục của các hãng hàng không.

Boeing đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý sau sự cố bung cửa máy bay giữa không trung ngày 5/1, từ đó dẫn đến các cuộc điều tra về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn trong quy trình sản xuất của Boeing.

Tình trạng các đơn đặt hàng máy bay bị “dồn ứ”, chậm bàn giao khiến các hãng hàng không gặp khó khăn để chuyển sang đặt hàng máy bay của đối thủ Airbus, nhà sản xuất máy bay thương mại lớn duy nhất khác trên thế giới.

Đối thủ của United Airlines là Southwest Airlines ngày 12/3 cũng dự kiến lượng máy bay MAX do Boeing bàn giao trong năm nay sẽ ít hơn 42% so với ước tính trước đó và điều đó có thể sẽ dẫn đến việc cắt giảm công suất vào năm 2024. Đây là lần thứ hai Southwest cắt giảm dự báo máy bay bàn giao trong năm nay. Cổ phiếu của Southwest Airlines đã giảm 14,6%.

Về phần mình, Alaska Air Group cho biết kế hoạch công suất năm 2024 của hãng vẫn chưa thay đổi vì cuộc khủng hoảng Boeing. Giám đốc điều hành (CEO) Ben Minicucci cho biết hãng hàng không này không kỳ vọng sẽ nhận được toàn bộ 47 máy bay từ Boeing trong hai năm tới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh từng nhận định, những vấn đề về chuỗi cung ứng gây thách thức đối với ngành hàng không toàn cầu có thể tiếp diễn thêm vài năm nữa.

Theo Tổng Giám đốc IATA, sẽ có một số lượng đáng kể máy bay bị đình chỉ hoạt động từ năm 2024 đến năm 2025 và các hãng hàng không có thể gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch khi tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn về thời điểm kết thúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục