Du lịch Indonesia “đặt cược” vào thị trường nội địa
Chuyên gia du lịch Muhammad Baiquni thuộc trường Đại học Gadjah Mada (UGM) cho biết: “Sự phục hồi du lịch sẽ bắt đầu với các hoạt động du lịch mạo hiểm, giao lưu văn hóa, hoạt động ngoài trời hoặc thể thao”.
Hoạt động giải trí ngoài trời gồm bãi biển, làng mạc và rừng. Một cuộc khảo sát do tờ Kompas thực hiện vào tháng 7-8/2020 với sự tham gia của 1.200 người cho thấy hầu hết người dân Indonesia thích đến các điểm du lịch ngoài trời hơn, trong đó đặc biệt là các điểm tham quan biển.
Chia sẻ nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Indonesia (Astindo) Elly Hutabarat lưu ý rằng khách du lịch hiện có xu hướng tìm kiếm các hoạt động ngoài trời, bao gồm cả đạp xe. Bà Elly nói: “Miễn là các hoạt động được thực hiện ở ngoài trời, nơi họ có thể hít thở không khí trong lành. Đó thực sự là một xu hướng ngày càng tăng vào lúc này”.
Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều khách du lịch đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch do lo ngại về việc sự lây lan của virus và các hạn chế đi lại.
Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) năm ngoái ước tính rằng ngành này đã chịu thiệt hại 100.000 tỷ rupiah (tương đương 7,2 tỷ USD) do đại dịch. Khoảng 550.000 nhân viên khách sạn, chiếm tới 78,5% lao động đăng ký trong ngành, đã phải tạm nghỉ việc hoặc bị sa thải.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), lượng khách du lịch nước ngoài đã giảm tới 73,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,89 triệu lượt người trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2020.
Ngoại trưởng Retno Marsudi mới đây thông báo rằng Indonesia sẽ đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài trong hai tuần đầu tiên của năm 2021 do lo ngại về khả năng về sự xuất hiện của một biến thể SARS-CoV-2 “siêu lây nhiễm” xuất phát từ Anh. Lệnh cấm này dự kiến sẽ làm giảm lượng khách du lịch quốc tế tới Indonesia.
Theo ông Baiquni, nếu ngành du lịch phục hồi, xu hướng này sẽ bắt đầu với du lịch địa phương. Tháng 7/2020, nhà phân tích kinh doanh Amanda Rachmaniar thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn Inventure từng cho biết, khách du lịch nội địa sẽ tạo ra nhu cầu đối với các cơ sở khách sạn lưu trú.
Trong khi đó, bà Elly xác nhận nhu cầu lưu trú đã gia tăng đột biến với lượng khách thuê phòng khách sạn từ một tháng trở lên. Bà cho biết: “Vì làm việc tại nhà nên họ có thể làm việc ở bất cứ đâu như Bali, Yogyakarta.
Xu hướng này thực sự đang thay đổi cách mọi người đi nghỉ”, đồng thời nói thêm rằng rằng du khách thích đi nghỉ theo nhóm nhỏ thân quen, chẳng hạn như với gia đình hoặc bạn thân.
Theo số liệu của BPS, tỷ lệ lấp đầy khách sạn trên toàn quốc đã giảm trung bình 18,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 40,14% vào tháng 11/2020. Mặc dù công suất thuê đã tăng lên từ tháng 5 song quá trình phục hồi vẫn dậm chân tại chỗ.
Ngày 5/1, tân Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno cho hay Bộ sẽ tập trung vào khách du lịch trong nước để thúc đẩy ngành này. Ông Sandiaga Uno nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào du lịch nội địa để du khách có thể tận hưởng các điểm đến của đất nước và thúc đẩy nền kinh tế địa phương”.
* Phụ thuộc vào kiểm soát đại dịch
Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo đã đặt mục tiêu đón 7 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2021, tăng 75% so với con số 4 triệu lượt người ước tính của năm 2020. Theo ông Prabu Revolusi, người phát ngôn của Bộ này, chính phủ lạc quan rằng ngành du lịch có thể bắt đầu phục hồi vào năm 2021 với sự phục hồi đáng kể của du lịch nội địa.
Ông Prabu cho hay mọi người đã bắt đầu tin tưởng trở lại vào các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có máy bay. Theo số liệu của BPS, hành khách đi máy bay nội địa đã tăng 33,43% trong tháng 11 so với tháng trước đó lên mức 3 triệu lượt. Song lượng khách này vẫn thấp hơn 55,28% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Prabu nhận định: “Một khi vaccine được phân phối, sẽ có một cơ hội đáng kể, một bước nhảy vọt đáng kể trong ngành du lịch vì mọi người sẽ tự tin hơn về việc đi nghỉ”.
Cho đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu trong tổng số 269 triệu dân, tương đương 70% dân số của Indonesia, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1/2021 đến tháng 3/2022. Tuy nhiên, theo ông Prabu, sẽ mất một thời gian để cả du khách trong nước và quốc tế lên kế hoạch đi du lịch, ngay cả sau khi vaccine đã được phân phối.
Ông Prabu nói thêm rằng các điểm du lịch của Indonesia đã sẵn sàng chào đón khách du khách quốc tế, thể hiện qua đánh giá gần đây của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) về sự chuẩn bị mở cửa trở lại của Bali. Tuy nhiên, việc cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh sẽ phụ thuộc vào kết quả xử lý đại dịch.
Chủ tịch PHRI ông Hariyadi Sukamdani cho biết, hiệp hội cho rằng lượng du khách quốc tế trong năm 2021 sẽ đạt 13-14 triệu lượt, một dự báo lạc quan hơn so với con số của Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo, song vẫn thấp hơn mức 16,1 triệu lượt người của năm 2019. Theo ông Hariyadi, du khách quốc tế dự kiến sẽ bắt đầu đi du lịch ba tháng sau khi triển khai chương trình tiêm chủng.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ralph van Doorn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng sự phục hồi của ngành du lịch sẽ không chỉ phụ thuộc vào niềm tin của du khách địa phương mà còn của cả khách du lịch nước ngoài và tình hình đại dịch tại quốc gia của họ.
Ông Van Doorn nói thêm rằng khách du lịch địa phương không được kỳ vọng là “sự thay thế tốt” cho khách du lịch nước ngoài về giá trị gia tăng. Ông nói: “Ngay cả khi thay thế toàn bộ khách du lịch quốc tế bằng khách du lịch nội địa, bạn sẽ đón được cùng một lượng khách song lại thu được ít tiền hơn”. Theo số liệu của BPS, năm 2018, chi tiêu trung bình của khách du lịch nước ngoài ước tính đạt 1.220,18 USD/người, tăng khoảng 1,6% so với một năm trước đó.
* Liên kết nhà nước-doanh nghiệp
Nhằm giúp ngành du lịch tiếp tục phát triển, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 3.300 tỷ rupiah cho 101 thành phố và cơ quan. Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo bắt đầu giải ngân các khoản tài trợ này vào tháng 11 năm ngoái, trong đó 70% dành cho các doanh nghiệp và phần còn lại cho chính quyền các địa phương.
Tại một cuộc họp hôm 29/12, Thứ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Angela Tanoesoedibjo cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chương trình “đột phá” nhằm cung cấp miễn phí các chứng chỉ về vệ sinh, y tế, an toàn và môi trường (CHSE) cho các doanh nghiệp vào năm 2021.
Bộ đã phân bổ 119 tỷ rupiah để cấp chứng chỉ CHSE cho các doanh nghiệp tại tất cả 34 tỉnh thành trên cả nước nhằm thúc đẩy niềm tin của du khách nước ngoài. Bà Angela cho hay: “Người tiêu dùng sẽ nhìn thấy nhãn chứng nhận này và biết rằng địa điểm đó là an toàn. Đây là cách chúng tôi tiêu chuẩn hóa việc thực hiện các giao thức y tế”.
Theo UNWTO, tính đến ngày 28/11, Chính phủ Indonesia đã cấp chứng chỉ CHSE cho 315 khách sạn và 351 nhà hàng tại Bali. Trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu, hãng hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia và PHRI đã ký kết một thỏa thuận vào tháng 12/2020 nhằm cung cấp khuyến mại cho các chuyến bay và dịch vụ khách sạn. Thỏa thuận sẽ cho phép du khách đặt hàng combo vé máy bay của AirAsia và phòng khách sạn thuộc sở hữu của các thành viên PHRI thông qua website của hãng hàng không này.
Chương trình dự kiến thu hút hơn 5.000 khách sạn thành viên của PHRI. Ông Hariyadi nhấn mạnh: “Đây là một nỗ lực nhằm tạo ra nhu cầu mới. Chúng tôi hy vọng rằng với chương trình hợp tác này, công chúng - những người từng do dự đi du lịch - sẽ trở nên tin tưởng hơn về các chương trình y tế do PHRI thực hiện và sẽ được hưởng chi phí hợp lý hơn”./.
- Từ khóa :
- indonesia
- covid 19
- du lịch indonesia
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Indonesia đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới
07:30' - 18/01/2021
Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia (KKP), ông Sakti Wahyu Trenggono đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn nhất thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Kích thích tài khóa - Biện pháp tối ưu để Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
06:30' - 15/01/2021
Quá trình phục hồi kinh tế từ COVID-19 sẽ đầy thách thức do sự gia tăng nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế, vì vậy chiến lược tài khóa phải được thực hiện một cách thận trọng.
-
Ý kiến
Indonesia cảnh báo không đủ ngân sách để giải cứu nền kinh tế
10:14' - 08/01/2021
Bộ trưởng Tài chính Indonesia nhấn mạnh phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế đang chậm lại.
-
Chuyển động DN
IK-CEPA mở đường cho dự án 9,1 tỷ USD của Hàn Quốc tại Indonesia
14:45' - 25/12/2020
Dự án sẽ tiêu tốn 10.000 tỷ won (9,1 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới nhằm đầu tư xây dựng các cơ sở khai thác niken, chế biến, luyện kim và biến kim loại này thành các điện cực pin và ắc quy.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Nga sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ
20:10' - 05/03/2021
Nga sẽ sớm công bố danh sách các công dân Mỹ sẽ bị Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga liên quan chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận
19:13' - 05/03/2021
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhiều chuyên gia y tế cảnh báo việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quá sớm
-
Kinh tế Thế giới
Tiêu chuẩn nào cho “hộ chiếu vaccine“?
17:39' - 05/03/2021
"Hộ chiếu vaccine", một dạng giấy thông hành điện tử cho phép những người đã tiêm vaccine được tự do đi lại đang có khả năng gây thêm chia rẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo.
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia cho phép người nước ngoài tìm kiếm kho báu dưới biển
16:00' - 05/03/2021
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) mới đây cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân trong nước tìm kiếm các kho báu và cổ vật trên các xác tàu đắm nằm dưới biển.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ "giảm tốc" quá trình phê duyệt giấy phép cung ứng cho SMIC
15:10' - 05/03/2021
Chính phủ Mỹ đã "giảm tốc" quá trình phê duyệt giấy phép cho các công ty Mỹ muốn bán thiết bị sản xuất chip cho tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer
14:39' - 05/03/2021
Bộ quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm của Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer Inc. trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ xem xét cấp 30 tỷ USD để thúc đẩy năng lực cạnh tranh ngành sản xuất chip
12:29' - 05/03/2021
Một nguồn thạo tin ngày 4/3 cho hay Thượng viện Mỹ đang xem xét đưa vào dự luật mới một khoản tài trợ trị giá 30 tỷ USD cho các biện pháp đã được phê duyệt trước đó.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm 2021
12:03' - 05/03/2021
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 6% và cam kết tạo thêm nhiều việc làm tại các thành phố.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN thông qua 13 mục tiêu kinh tế ưu tiên
11:56' - 05/03/2021
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27 (AEM Retreat 27) đã diễn ra trong hai ngày 2-3/3 theo hình thức trực tuyến.