Du lịch Nhật Bản “hút khách” bằng các tour du lịch trải nghiệm

17:20' - 05/04/2023
BNEWS Trước dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho kinh tế Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2013-2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục phá đỉnh và đạt mức cao nhất là 31,88 triệu lượt khách vào năm 2019.

Một trong những bí quyết để đạt được tốc độ tăng trưởng thần kỳ như vậy của ngành du lịch Nhật Bản là sự đa dạng của các hình thức du lịch trải nghiệm đầy hấp dẫn ở nước này.

Nằm ở phía Tây Bắc đảo chính Honshu, Takaoka khá nổi tiếng với nghề đúc kim loại. Thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Toyama hiện chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường sản xuất kim loại đúc ở Nhật Bản. Tuy nhiên, đến với Takaoka, các du khách không chỉ có cơ hội mua các sản phẩm đúc kim loại như các bộ ấm trà Nhật Bản hay bình hoa làm bằng đồng, mà còn có cơ hội tự tay đúc ra các sản phẩm của riêng mình.

Bà Yanase, chủ cơ sở sản xuất giấy washi Yanase Ryozo ở Echizen (tỉnh Fukui) hướng dẫn du khách làm giấy washi. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản

Một trong những điểm đến thu hút du khách tới trải nghiệm nghề đúc kim loại ở Takaoka là Công ty TNHH Nousaku. Công ty này bắt đầu sản xuất các đồ đúc kim loại vào năm 1916, chủ yếu sản xuất các đồ thờ cúng, bộ đồ dùng trong trà đạo và lọ hoa.

Ông Katsuji Nousaku, đương kim Chủ tịch Công ty TNHH Nousaku, là một người đã có 18 năm kinh nghiệm trong nghề đúc kim loại trước khi gia nhập Nousaku vào năm 1984. Ông đã nỗ lực thúc đẩy loại hình du lịch này nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn quy trình tạo ra các sản phẩm đúc kim loại. Hiện nay, chương trình du lịch trải nghiệm tại Nousaki không chỉ hấp dẫn đối với các du khách đang trong độ tuổi đến trường mà còn đối với cả người cao tuổi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Richard Susilo, một du khách tới từ Indonesia (In-đô-nê-xi-a), nói: “Tôi cảm thấy rất vui khi tự tay đúc ra một sản phẩm kim loại. Nó giúp tôi hiểu hơn về quy trình sản xuất ra nhiều sản phẩm mà tôi thường sử dụng hàng ngày”.

Nằm cách Takaoka khoảng 150km về phía Tây Bắc là thành phố Echizen thuộc tỉnh Fukui. Thành phố này nổi tiếng với nghề làm giấy washi truyền thống của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, nhu cầu đối với giấy washi đang có xu hướng giảm vì nó có giá bán cao hơn nhiều so với các loại giấy thông thường và sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu mới.

Điều này khiến cho cơ sở sản xuất giấy washi Yanase Ryozo ở Echizen gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, bà Yanase, chủ cơ sở sản xuất Yanase Ryozo ở Echizen, đã có sáng kiến biến xưởng sản xuất của mình thành một không gian mở để du khách có thể tới thăm quan và trải nghiệm việc sản xuất giấy washi theo phương pháp truyền thống của Nhật Bản.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Yanase nói: “Lý do khiến chúng tôi triển khai chương trình này là muốn mọi người biết nhiều hơn về giấy washi truyền thống của Nhật Bản. Trước đây, khu vực này chuyên về sản xuất giấy washi và hầu như không có sự giao tiếp với khách du lịch. Ban đầu, chúng tôi giới thiệu về phương pháp để làm giấy washi cho những người quan tâm. Sau đó, chương trình đã trở thành hoạt động giao lưu và giới thiệu cho du khách về nghề thủ công truyền thống này. Việc bố trí cho khách trực tiếp xem và trải nghiệm cách làm giấy washi đã góp phần nâng cao hơn hiểu biết của khách hàng về giấy washi của Nhật Bản, đồng thời thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến đây”.

Một công nhân của Công ty TNHH Nousaku hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản
Cùng với sự sụt giảm về nhu cầu, các cơ sở sản xuất giấy washi ở Echizen còn đối mặt với khó khăn do tình trạng thiếu nhân lực. Bà Yanase nhấn mạnh: “Thiếu nhân lực luôn là vấn đề nan giải đối với chúng tôi. Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ đến trực tiếp trải nghiệm cách làm giấy sẽ có thêm kiến thức và hứng thú làm việc trong ngành sản xuất giấy washi, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu nguồn nhân lực”.

Có thể thấy, các tour du lịch trải nghiệm này không chỉ giúp thu hút du khách, mà còn giúp các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản quảng bá sản phẩm và có thêm nguồn thu mới. Giới chức du lịch Nhật Bản kỳ vọng hình thức du lịch độc đáo này sẽ giúp thu hút du khách trở lại nước này sau đại dịch và trở thành động lực quan trọng cho “ngành công nghiệp không khói” hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục