Du lịch Việt Nam: Từ những giải thưởng quốc tế đến “cú hích” cho đến các siêu dự án

16:01' - 24/06/2021
BNEWS Những giải thưởng, danh hiệu danh giá do các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng là minh chứng rõ nét cho thấy du lịch Việt Nam không còn chỉ dựa vào tự nhiên sẵn có để khẳng định vị thế.

Từ câu chuyện “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”…

Năm 2016, Bà Nà Hills Golf Club bất ngờ nhận giải thưởng “Sân Golf mới tốt nhất thế giới” trong khuôn khổ World Golf Awards (WGA). Liên tiếp những năm sau đó, WGA đều đặn gọi tên các sân golf Việt Nam ở những hạng mục giải thưởng quan trọng nhất.

Từ một điểm đến tưởng như vô danh về golf, Việt Nam đã khiến người ta phải nhớ đến như một điểm golf tốt nhất thế giới không thể bỏ qua.

Trong 3 năm liên tiếp (2017- 2019), Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới - World Golf Awards vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” và lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua 7 quốc gia khác nhận danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất thế giới” vào năm 2019.

Năm 2020, Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp được bình chọn là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á”, theo công bố của WGA. Giải thưởng WGA được đánh giá là giải thưởng uy tín nhất, quy mô nhất trong ngành du lịch golf, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards.

Từ một điểm đến vốn chỉ được thế giới biết đến với những thế mạnh nổi trội về danh lam thắng cảnh tự nhiên như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình)…, giờ đây, Việt Nam đã đường hoàng lọt vào danh sách những điểm đến golf tốt nhất thế giới – một điều khó tin đối với đất nước vốn bị xem là “chiếu dưới” so với Singapore, Thái Lan… xét về hạ tầng đầu tư cho du lịch.

Những giải thưởng danh giá nhất thế giới về golf đã khiến thế giới phải nhìn Việt Nam bằng con mắt khác, đồng thời tạo động lực để ngành du lịch nghĩ đến việc đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn cho du lịch golf, để hướng đến thị trường khách quốc tế cao cấp là những golf thủ.

Năm 2018, khi “Cá mập trắng” Greg Norman xuất hiện trên video quảng bá du lịch Việt Nam, với chiếc mũ và nụ cười quen thuộc, để nói: “Người ta thường đến Việt Nam vì phong cảnh, văn hoá và đồ ăn. Tôi đến đây vì tất cả những điều đó, nhưng hơn thế là để được chơi ở một trong những ‘sân golf tốt nhất thế giới’, đó là khi người ta hiểu rằng, du lịch Việt Nam đã ở một giai đoạn khác hẳn với thời kỳ mới là ‘vẻ đẹp tiềm ẩn’”.

Việc lựa chọn Greg làm Đại sứ du lịch đã cho thấy một tư duy mới trong việc xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam. 

Đến cú hích cho những siêu dự án quy mô, tầm cỡ

Thực tế, không chỉ du lịch golf Việt Nam đã có sự chuyển biến đột phá nhờ những giải thưởng quốc tế danh giá ban đầu dành cho các sân golf.

Nhìn lại “bộ sưu tập” giải thưởng du lịch quốc tế trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đạt được trong những năm gần đây, mới thấy du lịch Việt Nam đã dần đạt được một vị thế “đáng nể” trên bản đồ du lịch thế giới, nhờ những dự án đẳng cấp về du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản trên cả nước.

Nếu như năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên đạt được giải thưởng danh giá “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới” mà World Travel Awards trao cho Intercontinental Danang Sun Peninsula. Ngay lập tức, sự kiện này lọt vào danh sách đề cử 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Liền 3 năm sau đó, khu nghỉ dưỡng sang trọng do Sun Group đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) liên tiếp được WTA vinh danh ở hạng mục này. Đây là kỷ lục không phải khu nghỉ dưỡng nào cũng đạt được.

Những năm gần đây, các điểm đến, khách sạn, công ty lữ hành, hãng hàng không… của Việt Nam liên tiếp đạt những giải thưởng, danh hiệu danh giá của các tổ chức thế giới. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 tấn công ngành du lịch toàn cầu suốt 2 năm qua, Việt Nam vẫn “ẵm” hàng chục giải thưởng WTA châu Á và WTA thế giới.

Năm 2020, ngoài việc lần thứ 2 đạt giải thưởng WTA cho “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, Việt Nam còn đạt được không ít giải thưởng dành cho những thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đầu là các điểm đến và dự án của các Tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup….

Bước sang năm 2021, lần đầu tiên một công trình của Việt Nam như Cầu Vàng (thuộc Sun World Ba Na Hills của Sun Group) đã dẫn đầu danh sách Kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của tờ Daily Mail (Anh).

Những giải thưởng, danh hiệu đó là những minh chứng rõ nét cho thấy du lịch Việt Nam không còn chỉ dựa vào tự nhiên sẵn có.

Chia sẻ quan điểm về giải pháp để đưa du lịch bứt phá, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định: “Ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp” và “cần có sự vào cuộc của những "con sếu đầu đàn", là các tập đoàn lớn có thực lực. Những tập đoàn này là những người định hình chân dung du lịch của các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành”.

Cũng chính những giải thưởng uy tín đã tác động không nhỏ tới cách nhìn của những người cầm cân nảy mực ở các địa phương. Những siêu dự án bắt đầu được chú trọng và được kỳ vọng là điểm nhấn cho bộ mặt du lịch nước nhà.

Đơn cử như sự thay đổi gần đây của Thanh Hoá trong kêu gọi đầu tư. Không còn chỉ là bãi biển Sầm Sơn đơn điệu, đã có những cái tên tuổi lớn đầu tư vào Thanh Hoá, với những dự án quy mô, tiềm năng. Có thể kể tới Sun Group với dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD.

Một siêu dự án khác cũng đang được kỳ vọng là Dự án là quần thể khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư lên đến 9.990 tỷ đồng.

Đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ khiến ngành du lịch nước nhà 2-3 năm nữa mới có thể khôi phục. Tuy nhiên, với vị thế thăng hạng hiện nay, cùng những định hướng đầu tư bài bản, chuyên nghiệp của các địa phương nói riêng khi dành sự ưu tiên dành cho các dự án quy mô và nhà đầu tư có tâm, có tầm, tin rằng du lịch Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tạo nên những cú hích ấn tượng để bứt phá ở giai đoạn hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục