Du lịch Việt Nam ứng phó với dịch viêm đường hô hấp do nCoV

10:53' - 07/02/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã tác động lớn đến ngành du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Du khách đi đò tại khu di tích Tràng An. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Tổng Cục Du lịch vừa tổ chức Hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV”, nhằm mục đích xin ý kiến các đơn vị liên quan trong toàn ngành về dự thảo Kế hoạch ứng phó của ngành Du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế.

* Bình tĩnh, chủ động ứng phó với dịch bệnh nCoV

Trong thời gian qua, ngành du lịch đã tập trung triển khai quyết liệt những biện pháp ứng phó với dịch bệnh nCoV theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tình hình dịch bệnh nCoV trên thế giới diễn biến phức tạp, tuy nhiên ở trong nước, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chữa trị thành công cho một số trường hợp nhiễm virus nCoV. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ghi nhận và đánh giá cao.

Hội nghị đánh giá, du lịch và hàng không là những lĩnh vực bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất với sự sụt giảm ngay lập tức của thị trường khách quốc tế và nội địa.

Tuy nhiên, tất cả đại biểu tham dự hội nghị đều bày tỏ sự thống nhất cần bình tĩnh, chủ động để ứng phó trong tình hình này, nhấn mạnh cần đánh giá đúng mức tác động, ảnh hưởng của dịch, diễn biến của từng thị trường khách cũng như tình hình tại từng địa phương, để từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp.

Sự bùng phát của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với du lịch Việt Nam, nhất là sự sụt giảm nặng nề lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc (hiện đang chiếm khoảng trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam).

Có thể thấy một số tác động tiêu cực trước mắt đối với ngành du lịch Việt Nam như: Trung Quốc đã hạn chế khách du lịch đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội. Thêm vào đó, các thị trường quốc tế khác e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước cũng hạn chế đi du lịch...

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại vì dịch bệnh nCoV trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9-7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Các thị trường quốc tế khác được dự báo giảm 50-70%, tương đương 2-2,8 triệu lượt (2,2-3 tỷ USD).

Xét trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều thiệt hại trung bình 1-1,8 tỷ USD mỗi ngành.

* Đề xuất nhiều nhóm giải pháp cụ thể

Dịch vụ xe điện chạy quanh hồ Hoàn Kiếm phục vụ khách du lịch hoạt động trở lại. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Tại Hội nghị, các Sở du lịch địa phương và đại diện các đơn vị lữ hành đã cùng chia sẻ và đóng góp ý kiến để vượt qua những những khó khăn, thách thức khi dịch hoành hành và sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Các đại biểu cho rằng cần nhìn ra những cơ hội trong khủng hoảng, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại, củng cố tổ chức, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn đội ngũ nhân viên, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động…

Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh luôn đề cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn, xử lý thỏa đáng những tình huống bất khả kháng hủy tour du lịch, vé máy bay. Đồng thời, nhất trí cần đối xử nhân văn, lịch sự, không kỳ thị với bất kỳ đối tượng khách du lịch nào.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan quản lý các cấp có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phục hồi hoạt động thông qua các chính sách, như miễn giảm thuế, phí, giãn nợ, giảm lãi suất vay, miễn lệ phí thị thực, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, bồi dưỡng nhân lực…, đặc biệt chú ý tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngành du lịch đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp cụ thể về thị trường; quảng bá, xúc tiến du lịch; truyền thông; chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài.

Về thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng Ấn Độ.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga, các nước SNG, các nước Đông Âu; đẩy mạnh khai thác thị trường Australia, New Zealand.

Ngành du lịch tiếp tục tăng cường truyền thông và triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch. Mặt khác, toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.

Về quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành du lịch đề xuất nhiều việc, trong đó có cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia, ưu tiên kinh phí, tổ chức sớm các thị trường cần thu hút để bù đắp lại thị trường đã mất.

Bên cạnh đó, ngành làm việc với các đối tác, đặc biệt là các hãng hàng không về kế hoạch hợp tác, xúc tiến phục hồi ngành du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế; tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng, nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…

Về truyền thông, ngành du lịch cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch.

Chú trọng truyền thông qua nhiều hình thức (thông tin/thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí, bản tin điện tử cho báo chí…) tới khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam.

Trong đó công tác tuyên truyền cần tập trung về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách quốc tế và trong nước; truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức về việc đảm bảo an toàn khi du lịch tại Việt Nam vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc đã có phương pháp điều trị.

Về chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài, Tổng cục Du lịch đề xuất cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại; đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…).

Đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu...

Bên cạnh đó, hai giải pháp lâu dài được xác định là: Thứ nhất, tổ chức đào tạo nhân lực cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kiến thức xử lý khủng hoảng trong du lịch, khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục