Doanh nghiệp du lịch Việt bàn giải pháp hạn chế tác động của dịch nCoV

10:58' - 06/02/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.
Khách quốc tế chủ động sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch nCoV khi đến tham quan các điểm du lịch công cộng tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Chiều 5/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao lưu trực tuyến về “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona đối với Du lịch Việt Nam”. 

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch của nhiều địa phương trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam quyết tâm đồng hành cùng Nhà nước trong việc phòng, chống dịch; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh để có những biện pháp phòng, chống dịch một cách tốt nhất.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, du lịch vốn là một ngành rất nhạy cảm với tình trạng thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh... trên thế giới. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch nCoV) đã không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.

Tại Việt Nam, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì. Do vậy, nhiều khách du lịch hiện đang còn mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hòa, Đà Nẵng...

Hiện các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Nhiều khu, điểm du lịch hầu như không có khách do bị ảnh hưởng của dịch nCoV. Trong khi đó, theo dự báo, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Lực lượng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phát khẩu trang y tế miễn phí cho du khách. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Tại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng với các doanh nghiệp du lịch ở nhiều địa phương cùng nhau đưa ra những nhiệm vụ và biện pháp cần triển khai trong việc thực hiện hạn chế tác động của dịch bệnh đến du lịch Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời, tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế tham gia vào phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Những việc này cần phải được duy trì, thường xuyên, liên tục cho tới khi dịch bệnh qua đi...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp. Có biện pháp quản lý chặt chẽ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, nhân dân ở điểm đến…

Hội nghị cũng lắng nghe nhiều ý kiến các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội du lịch tại các địa phương về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh như lượng khách sụt giảm, hủy tour, hủy chuyến nhiều... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và địa phương. Các doanh nghiệp đề xuất Hiệp hội Du lịch Việt Nam có ý kiến đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

 Hướng dẫn viên du lịch và du khách nước ngoài chủ quan không mang khẩu trang khi đến tham quan khu vực Hoàng thành Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Tại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra những giải pháp để các doanh nghiệp và các hiệp hội du lịch thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn như đẩy mạnh du lịch nội địa, chú trọng đến việc đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch không nằm trong vùng dịch…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0...

Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam. Đồng thời, phát huy các mối quan hệ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các nước là thị trường của du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch ở các thị trường không nằm trong vùng dịch. 

Hiệp hội phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và Hiệp hội các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng…

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội sẽ tập trung, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước để có kiến nghị chính thức lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay./.

>> Dịch do virus Corona: Bảo hiểm có thể không chi trả cho khách hàng bị thiệt hại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục