Du lịch Việt Nam “vượt” COVID: Bài 2: Ứng dụng công nghệ số để phát triển bền vững

14:10' - 01/01/2021
BNEWS Du lịch Việt Nam đã chủ động tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Không nằm ngoài xu thế này, du lịch Việt Nam đã chủ động tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

*Thích ứng với thực tiễn

Năm 2020, hoạt động du lịch toàn cầu bị ngừng trệ do phần lớn các quốc gia phải đóng cửa biên giới, áp dụng giãn cách xã hội.

Thế nhưng, thế giới lại chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Các công cụ trực tuyến phát triển mạnh mẽ và dần trở thành một phần không thể thiếu trên toàn cầu, du lịch cũng không thể là ngoại lệ.

Ngành Du lịch luôn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, kinh doanh du lịch.

Ở Việt Nam, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng lại là cú hích để thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Bởi đây là xu hướng tất yếu.

Kết quả khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời COVID-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Báo Vnexpress thực hiện cho thấy, 40% khách du lịch đặt tour trực tiếp, 36% đặt tour qua nền tảng trực tuyến...

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định: Các doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thực tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số.

Thích ứng với thực tiễn, hiện đa phần các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour… đều đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour; giao dịch với khách hàng chủ yếu bằng hình thức trực tuyến.

Tại các điểm đến ở Hà Nội, nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.

Trong đó, có thể kể đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến.

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin.

Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Thủ đô dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến.

Các địa phương đã rất nỗ lực tập trung triển khai phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch và công tác quản lý và xúc tiến, quảng bá.

Tiêu biểu là các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã xây dựng cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, hiện đại, cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho du khách.

Du lịch các địa phương công khai chất lượng, thông tin về dịch vụ mà các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch cung cấp, tạo nên tính khách quan, đa chiều trong hoạt động kinh doanh du lịch…

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: Những thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 cho thấy ngành Du lịch cần có những thay đổi để theo kịp những xu hướng mới.

COVID-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi, doanh nghiệp buộc phải có các giải pháp dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Cũng có nghĩa là các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số sẽ phục vụ tốt hơn.

Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc tốt hơn, đặc biệt là tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

*Phát triển du lịch thông minh để tạo đột phá

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển du lịch số, du lịch thông minh đang là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta.

Du lịch là một trong những ngành được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số để tạo ra những chuyển biến đột phá.

Đặc biệt, khi mà dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về việc chủ động tiếp cận và tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Riêng đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.

Theo Tiến sỹ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), để triển khai Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, Tổng cục Du lịch và các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung triển khai nhiều hoạt động.

Trong đó, ngành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Đến nay, ngành đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch.

Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế như Google, Youtube phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch.

Tổng cục Du lịch thường xuyên đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch để ươm mầm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong ngành; hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.

Trong bối cảnh COVID-19, nước ta đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với nhiều tiện ích hỗ trợ kết nối du khách, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng chung.

Ứng dụng này cũng đưa ra khuyến cáo du khách về điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật các thông tin, hoạt động của ngành du lịch. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch số.

Đặc biệt trong ngành Du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ. Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục