Dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo - động lực tăng trưởng kinh tế

17:22' - 08/06/2023
BNEWS Ngày 8/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế về “Dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo - Động lực tăng trưởng kinh tế”.

Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, đại diện doanh nghiệp công nghệ số trong nước dự Hội nghị.

 

Hội nghị nhằm trao đổi, nhận định về vai trò của dữ liệu mở và xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo trên thế giới, từ đó xác định các thách thức, đề ra hành động cụ thể để phát triển dữ liệu mở, đẩy nhanh phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị bằng hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia ở Việt Nam.

Dữ liệu là yếu tố đầu vào mới, quan trọng nhất và vô tận, động lực mới thúc đẩy chuyển đổi, phát triển kinh tế, phương thức mới để nâng cao năng lực quản lý.

Hiện nay, trên thế giới, các Chính phủ đã nhận thấy dữ liệu công là nguồn tài nguyên quý giá và cần được khai thác hiệu quả. Mở và chia sẻ dữ liệu cho các bên khai thác sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội cũng như tăng cường sự hợp tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp - người dân.

Tại Hội nghị, diễn giả đã chia sẻ về tác động của dữ liệu mở tới tăng trưởng kinh tế; xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong triển khai, đánh giá, đo lường dữ liệu mở; thảo luận về chính sách, cơ hội, thách thức dữ liệu mở ở các địa phương tại Việt Nam; trao đổi về hiểu biết trong việc tối đa hóa giá trị của dữ liệu mở nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư phục vụ phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội nghị đã bàn thảo, thông qua khuyến nghị của cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung để cùng nhau hành động nhằm phát triển dữ liệu mở, nâng cao năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị mới của dữ liệu, hoàn thiện môi trường pháp lý góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia; xây dựng danh mục tài nguyên dữ liệu trong các ngành để thúc đẩy tích hợp, phát triển và sử dụng dữ liệu liên ngành; tạo ra hệ sinh thái dữ liệu mở.

Cùng với đó, Việt Nam cần phát huy đầy đủ vai trò của doanh nghiệp hàng đầu với tư cách là chủ thể nghiên cứu và phát triển dữ liệu; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ, đưa sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo Việt Nam ra nước ngoài…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục