Dự thảo kế hoạch của Chính phủ Anh chú trọng Brexit

20:28' - 21/06/2017
BNEWS Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 21/6 đã trình bày dự thảo kế hoạch của Chính phủ Anh, khai mạc Quốc hội khóa mới của nước này.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II (trái) đã công bố dự thảo kế hoạch của chính phủ thiểu số của đảng Bảo thủ, khai mạc cho Quốc hội khóa mới của Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong diễn văn khai mạc Quốc hội, Nữ hoàng đã đề cập đến 24 dự thảo của chính phủ, trong đó có tới 8 dự thảo liên quan đến vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Những dự thảo liên quan đến Brexit gồm dự luật “Hủy bỏ lớn" nhằm hủy bỏ và thay thế các luật lệ của EU bằng luật pháp của nước Anh, dự thảo về hải quan, thương mại, nhập cư, thủy sản, nông nghệp, an toàn hạt nhân và trừng phạt quốc tế đối với một số thể chế trên thế giới.

Nữ hoàng cũng đề cập đến một số dự thảo của chính quyền Thủ tướng Theresa May liên quan đến thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp mới, như dự thảo về xe ô tô điện, công nghiệp vũ trụ ...

Liên quan đến quốc phòng và hoạt động chống khủng bố, chính phủ cam kết sẽ đánh giá lại chiến lược chống khủng bố, tăng cường công tác chống chủ nghĩa cực đoan, tăng mức án đối với những tội danh liên quan đến khủng bố và ngăn chặn những tài liệu cổ súy cho hoạt động cực đoan trên mạng.

Các vấn đề như chính sách xã hội đối với người già, giáo dục, việc làm cũng được đề cập đến trong bài diễn văn khai mạc Quốc hội Anh của Nữ hoàng. Diễn văn nêu bật trọng tâm của chính phủ mới đối với vấn đề Brexit, những nỗ lực để ban hành các luật mới nhằm giúp nước Anh rời khỏi EU một cách "suôn sẻ và trật tự".

Những kế hoạch dự thảo nói trên đã bị các đảng chính trị khác chỉ trích là quá chú trọng đến Brexit mà không chú ý đến các vấn đề quan trọng khác của đất nước, như khủng hoảng dịch vụ công, thiếu ngân sách cho các hoạt động của cảnh sát, y tế và giáo dục công, cũng như chính sách đầu tư.

Giới doanh nghiệp Anh nhận xét quan điểm của chính phủ đã có những thay đổi nhất định theo hướng chú trọng đến doanh nghiệp, và kêu gọi các nghị sĩ hãy thực tế và đặt lợi ích kinh tế làm trọng tâm trong đàm phán Brexit.

Diễn văn khai mạc Quốc hội Anh đã bị lùi lại hai ngày so với dự kiến ban đầu, với hy vọng đảng Bảo thủ sẽ thỏa thuận được với đảng Dân chủ Hợp nhất để có thể giúp chính phủ dễ dàng thông qua các chương trình nghị sự của mình trước Hạ Viện.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, thỏa thuận cuối cùng giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Hợp nhất vẫn chưa đạt được, đặt chính phủ của bà May vào thế khó khăn hơn để có thể nhận được sự chấp thuận đối với các dự thảo của mình tại Hạ Viện.

>>> Vấn đề Brexit: Khó khăn trong đàm phán về tài chính

>>> Vấn đề Brexit: Cảnh báo nguy cơ giới doanh nghiệp Anh chuyển hoạt động ra nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục