Dừa Bến Tre chịu nhiều sức ép cạnh tranh

14:03' - 22/06/2022
BNEWS Thời gian qua, giá dừa trái trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, giá các mặt hàng xăng dầu, phân bón... tăng cao, kéo theo các chi phí tăng.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, thời gian qua, giá dừa trái trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, giá các mặt hàng xăng dầu, phân bón... tăng cao, kéo theo các chi phí tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống của người trồng dừa trong tỉnh.

Bà Võ Thị Mỹ, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết, trong gần hai tháng trở lại đây, giá bán trái dừa khô tại vườn liên tục giảm. Hiện giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn cho thương lái chỉ còn ở mức 35.000-40.000 đồng/chục (đối với dừa đã thu hoạch sẵn) và khoảng 25.000-30.000 đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự thu hoạch dừa.

 

Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa, giá dừa khô giảm mạnh do gần đây đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm và chịu sức ép giảm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, do ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trên thế giới. Nhiều nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng, sức mua tình hình chung giảm. Giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa...

Tuy nhiên, hiện các sản phẩm phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: vỏ dừa, gáo dừa, chỉ xơ dừa, nước dừa làm thạch... Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện chính sách "Zero COVID".

Vì vậy, giá dừa hột (đã lột vỏ) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, khoảng 3.000 đồng/kg; lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. Điều này đã tác động trực tiếp đến giá dừa tại địa phương. Mặt khác, Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc, do Thái Lan không thể xuất khẩu qua Trung Quốc được buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy hàng.

Thêm vào đó, sản lượng dừa của Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... trúng mùa do đó cung vượt cầu, giá dừa các nước cũng giảm. Sản phẩm cơm dừa nạo sấy của Bến Tre có giá xuất khẩu cao hơn các nước sản xuất cùng mặt hàng này, vì vậy lượng cơm dừa nạo sấy hiện còn tồn ở các doanh nghiệp rất nhiều. Một số doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất.

Các nước như Mỹ, châu Âu đang kiểm soát lạm phát, khống chế tăng giá. Do đó, các nhà nhập khẩu dừa tiềm năng này của Bến Tre cũng sẽ tìm mua sản phẩm với giá thấp. Trong khi giá các loại bao bì, xăng dầu, chi phí vận chuyển... đều tăng từ 20-30% so với trước đây, trong khi giá bán không tăng được thì bắt buộc doanh nghiệp phải hạ giá thu mua.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong Bùi Dương Thuật cho hay, đối với trái dừa tươi, xuất khẩu bị giảm do cước vận chuyển cao gấp từ 3-6 lần so với trước đây. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi phải cạnh tranh với các thương lái thu gom tiêu thụ ở thị trường trong nước... Các nguyên nhân này đã làm giá bán trái dừa tươi của người nông dân trên địa bàn tỉnh giảm từ 25-35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 20.000 - 30.000 đồng/chục.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Thị Quỳnh Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa dẫn đầu trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, như Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã có chứng nhận FDA, Halal, Kosher, BSCI, BRC, Organic.... Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đủ cho chế biến xuất khẩu, có nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn, có hệ thống phân phối bán hàng trong và ngoài nước khá ổn định. Một số doanh nghiệp có liên kết với nông dân trồng dừa hữu cơ.

Tuy nhiên, khó khăn là dừa Bến Tre chưa đứng vững trên thị trường thế giới, gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của thế giới sẽ thay đổi và chuyển sang sử dụng sản phẩm hữu cơ, nhưng việc hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện còn ít, chưa thu hút được nông dân tham gia (diện tích dừa hữu cơ hiện chỉ chiếm 19,8% tổng diện tích dừa toàn tỉnh).

Ngoài ra, một số công ty chế biến dừa của tỉnh có quy mô nhỏ, do đó về máy móc thiết bị, công nghệ... còn hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường Mỹ gặp khó khăn các hàng rào kỹ thuật. Đối với kênh bán hàng trong nước, các doanh nghiệp chủ yếu bán thông qua hệ thống siêu thị, chợ, các điểm du lịch, các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhưng cũng còn hạn chế, các sản phẩm dừa chế biến chủ yếu xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ, chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Riêng xuất khẩu dừa tươi, tỉnh xuất khẩu được khoảng 2,7 triệu trái (tương đương 1,9 triệu USD), giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cũng giảm khoảng 15-20% so với năm trước.../.

Tin liên quan

  • Trà Vinh nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025 Hàng hoá

    Trà Vinh nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025

    10:18' - 03/06/2022

    UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, nhằm giúp các hộ trồng dừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

  • Đến rừng dừa Cẩm Thanh gần 200 năm tuổi ở Hội An Đời sống

    Đến rừng dừa Cẩm Thanh gần 200 năm tuổi ở Hội An

    10:07' - 03/06/2022

    Cách Đà Nẵng chừng hơn 30 phút đi ô tô và cách phổ cổ Hội An khoảng 5km về phía Đông, rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh – Hội An (Quản Nam) đang là điểm đến thu hút sự quan tâm yêu thích của nhiều du khách.

  • Giá dừa khô giảm mạnh Hàng hoá

    Giá dừa khô giảm mạnh

    10:38' - 26/05/2022

    Hiện giá dừa khô được thương lái mua ở Trà Vinh chỉ dao động ở mức 37.000 - 47.000 đồng/chục (12 quả), giảm khoảng 70.000 đồng/chục so với thời điểm đầu tháng 12/2021.


Tin cùng chuyên mục