Trà Vinh nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025

10:18' - 03/06/2022
BNEWS UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, nhằm giúp các hộ trồng dừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo đó, từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn huy động, tài trợ, giai đoạn này tỉnh tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp, gồm: thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa;

 

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

Cụ thể, tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa trong tỉnh nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu để xây dựng nhà máy chế biến, phát triển liên kết với người sản xuất, cơ sở, hợp tác xã thực hiện thu gom và sơ chế trên địa bàn tỉnh.

Địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập hợp tác xã kiểu mới, kết nối đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động tại chỗ, mặt bằng để tập kết, sơ chế nguyên liệu dừa trái để sản xuất và phát triển các dịch vụ;

Khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho hợp tác xã để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị sơ chế và xe vận chuyển, cũng như dào tạo kỹ năng cần thiết cho lao động của các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa. Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu dừa ở các địa phương tiềm năng trên địa bản tỉnh, nhất là vùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu dừa; tiếp tục tuyển chọn các giống dừa chất lượng, sử dụng cây đầu dòng của một số giống đã tuyển chọn, thúc đẩy phát triển các cơ sở nhân giống;

Phối hợp với tỉnh Bến Tre và các trường đại học để nghiên cứu, chọn lọc giống tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường, mục tiêu của doanh nghiệp nhằm nhân rộng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng nghiên cứu, thực hiện các biện pháp quản lý sâu, bệnh tổng hợp trên cây dừa bằng phương pháp sinh học, như: nhân nuôi và phóng thích loài ong ký sinh (Tetrastichus brontispae) trên nhộng bọ cánh cứng hại dừa; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất dừa theo tiêu chuẩn;

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác, thâm canh, chăm sóc dừa, nhất là sử dụng đồng bộ giống chuẩn, thu hoạch đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng nước và cơm dừa, sử dụng phân vi sinh thay thế phân bón hóa học, phòng trừ sâu, bệnh theo phương pháp sinh học.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa hiện có; đăng ký, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ người trồng theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hộ, cơ sở trong đăng ký chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ, trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, mua bán.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, tỉnh Trà Vinh có gần 90.000 hộ trồng dừa, với hơn 7 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 300 triệu quả/năm.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 13 vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đã được 4 doanh nghiệp xây dựng, với tổng diện tích 4.012 ha đạt tiêu chuẩn EU và USDA; trong đó, 260 ha đạt 6 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật – JAS, Australia – ACO, Thụy Điển – KRAV và GlobalGAP.

Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 có có khoảng 8.000 ha dừa được trồng theo hướng hữu cơ, trong đó, 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế; có tối thiểu 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao./.

Tin liên quan

  • Giá dừa khô giảm mạnh Hàng hoá

    Giá dừa khô giảm mạnh

    10:38' - 26/05/2022

    Hiện giá dừa khô được thương lái mua ở Trà Vinh chỉ dao động ở mức 37.000 - 47.000 đồng/chục (12 quả), giảm khoảng 70.000 đồng/chục so với thời điểm đầu tháng 12/2021.

  • Giá dừa tươi tăng mạnh Hàng hoá

    Giá dừa tươi tăng mạnh

    10:49' - 09/05/2022

    Trong những ngày qua, tại Tiền Giang, giá dừa tươi uống nước đang tăng mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân các vùng chuyên canh tại địa phương.

  • Công ty Chế biến dừa Lương Quới bắt tay CMC TS chuyển đổi số Chuyển động DN

    Công ty Chế biến dừa Lương Quới bắt tay CMC TS chuyển đổi số

    20:01' - 16/03/2022

    Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC khởi động dự án xây dựng kho tự động trên nền tảng SAP B1, hỗ trợ tự động hóa hoạt động điều hành, quản lý kho nhà máy.


Tin cùng chuyên mục