Đưa điện lưới quốc gia về bản

17:51' - 31/01/2018
BNEWS Đầu xuân mới Mậu Tuất, chúng tôi có dịp trở lại bản Nặm Dên, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ), tỉnh Sơn La sau nửa năm điện lưới quốc gia về bản. Đời sống của gần 80 hộ đồng bào Mông đã thực sự thay đổi.

Bí thư Chi bộ bản Phàng A Sủ phấn khởi nói: “Do khó khăn về đường xã, nên phải đến giữa năm 2017, bản Nặm Dên mới được đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia. Mừng lắm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cán bộ, công nhân ngành điện, Tết này không riêng bản Nặm Dên, mà hơn 300 hộ của bản Nà Sàng, A Lang và bản Láy đã có điện lưới quốc gia”.

Chỉ cách đây mấy tháng thôi, người dân nơi đây vẫn phải dùng máy phát điện, điện chập chờn không đủ thắp sáng, dây điện thường xuyên bị gia súc làm đứt, rất nguy hiểm. Giờ đây, trong bản đã có mấy máy xay xát, nhà nào cũng mua ti vi, tủ lạnh, các cháu được học hành dưới ánh điện, tối đến nhà nào cũng sáng trưng.

Niềm vui của người dân bản Nặm Dên cũng là niềm vui của hàng nghìn hộ đồng bào khu vực nông thôn trong tỉnh được cấp điện lưới quốc gia trong năm 2017. Theo thông tin của ngành điện, để bảo đảm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến năm 2020, toàn tỉnh có 98% số bản và 97,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện bảo đảm cấp cho hơn 300 bản, với tổng số gần 25.000 hộ. Đây đều là những bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình hết sức phức tạp, hiểm trở.

Để bảo đảm tiến độ đưa điện lưới quốc gia về các bản, ngành điện và các đơn vị thi công đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm của ngành điện, sự sáng tạo, quyết tâm của các đơn vị thi công và những người thợ xây lắp, rất nhiều vướng mắc đã được khắc phục kịp thời.

Gian nan, vất vả, nhiều nơi phải mở đường, làm cầu tạm, vật tư, thiết bị phải dùng sức người vận chuyển, nhưng trong quá trình triển khai các dự án, ngành điện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đặc biệt là các xã, bản, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ khi bắt đầu chuẩn bị triển khai các gói thầu.

Đặc biệt, với phương châm “xã nào, bản nào thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thì sẽ nhanh có điện” đã nhận được sự đồng tình và đón nhận với tinh thần phấn khởi của nhân dân. Nhiều nơi người dân đã góp sức cùng với cán bộ, công nhân ngành điện đào móng, kéo dây, vận chuyển vật liệu, góp phần bảo đảm quá trình thi công đúng tiến độ.

Đưa điện về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước.

Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, hết năm 2017, trên địa bàn Tổng công ty quản lý số huyện có điện đạt 100%, số xã có điện đạt 100% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%. Đến nay, hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới – hải đảo.

Tổng công ty cũng đã nỗ lực trong việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn – nông thôn mới. Ngày 6/12/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Nghị quyết về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn năm 2017 của EVNNPC cho 133 xã và cụm xã đã có thoả thuận bàn giao, việc thực hiện sẽ được triển khai từ tháng 1/2018.

Thực hiện tiêu chí về điện của chương trình nông thôn mới, đến nay, Tổng công ty đã có 3.465 xã/tổng số 4.048 xã (86%) do Tổng công ty bán điện đạt tiêu chí, trong đó Công ty Điện lực Nam Định có 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới về điện.

Trên thực tế, tại các xã vùng biên giới, vùng cao, người dân sống không tập trung và ở những vùng có địa hình hiểm trở, phức tạp. Có những khu vực, kéo đường dây điện hàng trăm km, nhưng chỉ cung cấp điện cho một số ít hộ dân. Do đó, việc đầu tư lưới điện ở khu vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thi công kéo dài. Đó là chưa kể, sản lượng điện tiêu thụ ở những khu vực này cũng rất thấp.

Chính vì vậy, khi đầu tư điện cho khu vực nông thôn, EVNNPC xác định đây là địa bàn trọng yếu, không thể tính toán lợi nhuận, không thể lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, phải coi ý nghĩa chính trị - xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng làm tiêu chí.

Hiện nay, EVNNPC đã và đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, kết hợp với vốn đối ứng của Tổng công ty, tiếp tục hành trình mang “ánh sáng” về với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Thiều Mạnh Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án (Công ty Điện lực Sơn La) cho biết, đón xuân mới Mậu Tuất, không riêng gì các bản Nặm Dên, Nà Sàng, A Lang và bản Láy, mà gần 3.700 hộ các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh sẽ có điện lưới quốc gia.

Năm 2017, Công ty Điện lực Sơn La đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong các hạng mục của Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020 và Dự án cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và Phù Yên. Trước Tết Nguyên đán, toàn bộ các gói thầu của dự án đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm cấp điện đến các bản và từng hộ gia đình theo đúng kế hoạch.

Nhờ đó, dịp xuân Mậu Tuất, toàn tỉnh Sơn La có thêm 3.700 hộ dân của gần 100 bản trên địa bàn 27 xã thuộc các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Sốp Cộp... đã có điện lưới quốc gia.

Nguồn điện lưới quốc gia cấp trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng làm thay đổi tập quán, nâng cao dân trí.

Có điện, cuộc sống của người dân sẽ phát triển nhanh chóng, mở ra cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán, quy mô canh tác và tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Điều này góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn, những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh…

Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, đến năm 2020, có 100% hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng điện. EVNNPC cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Đảng, Chính phủ giao phó. Tổng công ty đã huy động mọi nguồn lực, xóa các “vùng lõm” về điện một cách hiệu quả nhất.

EVNNPC đang đề xuất Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù về vốn và cơ chế thực hiện các dự án đưa điện lưới quốc gia về nông thôn tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần phối hợp hiệu quả hơn nữa trong giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, triển khai thi công, giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán. Trong đó, cần phân công, phân cấp cụ thể cho các đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm rõ ràng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục