Đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa

16:22' - 28/02/2023
BNEWS Với xu hướng người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn lương thực chất lượng cao, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam dần chuyển đổi sản xuất để thích nghi nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên sản lượng và chất lượng lúa đều được nâng cao.

Sản phẩm gạo chất lượng cao có sự phát triển rõ rệt một phần cũng nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, được nhiều thị trường khó tính đón nhận; trong đó có thị trường Nhật Bản.

Cho đến vụ Đông Xuân 2022 - 2023, diện tích sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã giảm xuống còn 3,8-3,9 triệu ha, nhưng giá trị lại tăng. Các giống lúa chất lượng cao, đặc sản được nông dân trong khu vực trồng ngày càng nhiều, nâng tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%.

 

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 700.000 tấn gạo, với trị giá hơn 370 triệu USD, giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá so với cùng kì năm 2022. Trong các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, đứng đầu vẫn là Philippines, sau đó là Indonesia và Trung Quốc.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn có xu hướng tăng. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, nhất là trong điều kiện yêu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao.

Để có sản lượng gạo chất lượng cao cung ứng cho thị trường, nhiều doanh nghiệp chung tay tạo ra nguồn vật tư sạch để cung ứng cho người sản xuất sạch. Không những vậy, có doanh nghiệp cũng đã hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất vừa tiết kiệm giống vừa tăng năng suất lúa.

Năm 2023, theo kế hoạch, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha lúa, đạt sản lượng 24 triệu tấn. Ðồng thời, nông dân vẫn tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật với ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, Lộc Trời đã triển khai mô hình mặt ruộng không dấu chân đến nhiều địa phương sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc bảo vệ thực vậy sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa.

Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất; đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Với những hướng đi này, nông dân Việt Nam sẽ dần thay đổi, chất lượng hạt gạo Việt Nam cũng dần thay đổi, số lượng giảm nhưng chất lượng và giá trị hạt gạo ngày càng tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân.

Trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.

Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ban hành thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỉ USD. Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn. Quan điểm của chiến lược nêu rõ xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường. 

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030, tỉ trọng gạo có giá trị cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%. Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục