Đưa nhanh các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP vào thực tiễn

15:36' - 17/02/2022
BNEWS Đưa nhanh các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP vào thực tiễn

Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nhằm đưa các chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. 

Kể từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 khởi phát và diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm cũng như hàng năm.

Triển khai các Kết luận Hội nghị lần thứ 3 và 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành phê chuẩn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và không để lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung hạn và dài hạn.

Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Trọng tâm của giải pháp mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đưa ra bao gồm 5 lĩnh vực chính gồm: mở cửa nền kinh tế, gắn liền với việc nâng cao năng lực của cơ sở y tế; đảm bảo an sinh xã hội thông qua gói hỗ trợ nhà ở cho công nhân, cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay an sinh xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế phục hồi, phát triển sản xuất; đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chú trọng các công trình có sức lan tỏa lớn, có tầm quan trọng quốc gia và có thể triển khai thực hiện nhanh; cải cách về mặt thể chế, chính sách. Toàn bộ gói chương trình này thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Theo ông Nguyễn Minh Tân – Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, Chương trình này đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian để thực hiện.

Giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 240 nghìn tỷ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách; trong đó, 64 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176 nghìn tỷ đồng là đầu tư công; bố trí khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở; tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong năm 2022.  Với việc hỗ trợ giãn, hoãn khoảng 135 nghìn tỷ đồng sẽ tương đương mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38,4 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn lực để triển khai chương trình, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021. Còn nguồn thứ 3 thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình xây dựng chính sách cũng như trình Quốc hội ban hành nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, cùng các bộ ngành chức năng để xây dựng, hoàn thiện nội dung chương trình, cũng như nội dung Nghị quyết của Quốc hội.

Trong quá trình xây dựng các nội dung chính sách, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu để triển khai những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình mà có thể làm được ngay.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phân công tổ chức thực hiện cho các đơn vị, gắn nhiệm vụ và thời gian hoàn thành một cách cụ thể cho các đơn vị.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, có đến 18 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính chủ trì và 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan khác; trong đó, có những nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý I/2022 và có nhiệm vụ kéo dài suốt trong quá trình thực hiện chương trình.

Những nhiệm vụ cần thiết mà Bộ Tài chính phải thực hiện ngay trong quý I/2022 là hướng dẫn chính sách miễn giảm thuế; hướng dẫn gia hạn thời gian miễn thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế; hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên để mua máy tính; hướng dẫn vấn đề cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép doanh nghiệp trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống COVID-19.

Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để thực hiện hướng dẫn vấn đề thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến; hướng dẫn về vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách…

Đây là những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai thực hiện và rất cần sự đóng góp trực tiếp và sâu sát hơn nữa của các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để kịp thời hạn hoàn thành, trình Chính phủ trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là Vụ Ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước lên phương án để đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho chương trình cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của ngân sách nhà nước, đảm bảo không để ảnh hưởng đến tính thanh khoản của Kho bạc Nhà nước trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó là tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu, như đẩy mạnh tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu ở lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu; tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi mà có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó sử dụng nguồn lực cho chương trình này.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, tất cả nhiệm vụ này Bộ Tài chính đang tích cực triển khai; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu thực hiện của chương trình, cũng như phù hợp tiến độ thực hiện của chương trình.

Ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, các giải pháp chính sách tài khóa trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục