Đức: Dòng chảy di cư và ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội

06:30' - 06/11/2019
BNEWS Trước sự xuất hiện ồ ạt của dòng người di cư, xã hội Đức xuất hiện nhiều vấn đề đặc biệt là an ninh và phong trào bài trừ người nước ngoài, khiến mâu thuẫn tăng cao và ảnh hưởng đến chính trường Đức.
Tàu chở người di cư được cứu sống trên Địa Trung Hải ngày 12/6. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu vào cuối năm 2015 đến nay, nước Đức đã đón hơn 1 triệu người tị nạn đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Phần lớn những người này đến Đức vì lý do nhân đạo, do quê nhà bị chiến tranh hoặc xung đột vũ trang tàn phá. Một phần trong số đó là những người di cư bất hợp pháp, đến Đức với mục đích kinh tế.

Sự xuất hiện ồ ạt của dòng người di cư đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về chính trị - xã hội tại Đức, cũng như nhiều quốc gia châu Âu. Thủ tướng Angela Merkel cùng liên minh cầm quyền gồm các đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) liên lục mất uy tín trầm trọng trong các cuộc bầu cử quốc gia, địa phương cũng như châu Âu.

Kinh tế phát triển và giữ được đà tăng trưởng ổn định, xã hội thịnh vượng đã biến nước Đức thành một “thỏi nam châm” thu hút dòng người di cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Dân số Đức ngày càng già đi, lực lượng lao động khan hiếm đã mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn với những người di cư, bao gồm những người có trình độ lẫn những lao động phổ thông.

Hiện tại, nhiều công việc trong xã hội Đức không có người làm, khi người Đức không còn mặn mà và các lao động đến từ những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng thoái thác. Đó cũng là cơ hội dành cho các lao động đến từ những nước thứ ba, trong đó không ít lao động bất hợp pháp, chủ yếu làm các công việc mang tính chân tay, mùa vụ, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thiếu vệ sinh.

Ở chiều ngược lại, mỗi năm cũng có hàng trăm nghìn người Đức rời bỏ quê hương, ra nước ngoài sinh sống. Thống kê cho thấy từ năm 1991 (thời điểm nước Đức thống nhất sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ), khoảng 3,3 triệu người Đức đã ra nước ngoài làm ăn, sinh sống. Đỉnh điểm là năm 1992, có tới gần 800.000 người Đức rời bỏ quê hương. Tính trung bình, mỗi năm nước Đức chia tay khoảng 131.000 công dân trong gần 30 năm qua.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến do công ty khảo sát và nghiên cứu thị trường Yougov tiến hành, 2.109 người lớn ở Đức đã được phỏng vấn, tập trung vào động cơ rời bỏ đất nước. Kết quả cho thấy 55% số người Đức được hỏi muốn sống ở nước ngoài một thời gian hoặc mãi mãi.

Hơn 1/3 nhóm này thậm chí muốn sống ở nước ngoài mãi mãi; 13% có thể nghĩ đến việc sống bên ngoài nước Đức trong 2 đến 5 năm; 9% muốn ra đi tối đa 1 năm. Đặc biệt, những người từ 55 tuổi có thể nghĩ đến việc ở lại nước ngoài vĩnh viễn. Những người từ 18 đến 24 tuổi thích đi xa trong một vài năm.

Chuyên gia Markus Albers, tác giả cuốn sách "Quê hương là ở khắp mọi nơi", dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết gần 1 triệu người Đức đã quay lưng lại với nước Đức kể từ năm 2001. Mỗi năm, số người ra đi bằng dân số một thành phố như Wurzburg hoặc Potsdam, Heidelberg hoặc Osnabrück.

Quan trọng hơn, 68% số người được hỏi trong cuộc điều tra khác của Destatis mong đợi một công việc tốt hơn và kiếm nhiều tiền hơn ở nước ngoài, 38% nói rằng gánh nặng thuế cao là một lý do để rời khỏi đất nước, trong khi 31% cảm thấy bị bộ máy hành chính quan liêu làm phiền.

Độ tuổi trung bình của những người Đức di cư là 32 tuổi. Họ là các bác sĩ và kỹ sư trẻ, các nhà khoa học và công nhân lành nghề, thợ thủ công, kỹ thuật viên và nhà cung cấp dịch vụ đầy tham vọng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện tại trên thế giới không có quốc gia nào mất nhiều người tốt nghiệp đại học, có trình độ cao như thế, ngoài nước Đức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục