Đức vạch chiến lược cạnh tranh AI với hai cường quốc dẫn đầu thế giới ​

08:03' - 26/10/2024
BNEWS Ba trụ cột chính trong kế hoạch của Đức, nhằm bắt kịp cuộc chạy đua AI toàn cầu là công nghệ đáng tin cậy, dữ liệu ở cấp độ công nghiệp và hợp tác châu Âu.

Khi cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu ngày càng nóng lên, Chính phủ Đức cũng đã nỗ lực vạch ra chiến lược cạnh tranh với các nước dẫn đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nhưng liệu kế hoạch của Đức có thành công như mong đợi?

 

Theo bài phân tích trên truyền hình DW của Đức, ba trụ cột chính trong kế hoạch của Đức, nhằm bắt kịp cuộc chạy đua AI toàn cầu là công nghệ đáng tin cậy, dữ liệu ở cấp độ công nghiệp và hợp tác châu Âu.

Trên toàn thế giới, những đột phá về AI đang làm thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp. Đáng tiếc là cho đến nay không có công nghệ AI hàng đầu nào được phát triển ở Đức. Thay vào đó, các ứng dụng từ một số ít công ty ở Mỹ và Trung Quốc đang thống trị thị trường toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị kỹ thuật số mới đây tại thành phố Frankfurt am Main, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ, trong một thời gian dài, Đức chưa làm được gì nhiều trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, với sự sáng tạo, đổi mới và làm việc chăm chỉ, nước Đức vẫn có thế mạnh lớn để phát triển ngành công nghệ mới nhiều hứa hẹn.

Tại hội nghị, các thành viên trong chính phủ liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ Xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do FDP), đã vạch ra kế hoạch mới để nước Đức duy trì khả năng cạnh tranh trong cuộc đua AI toàn cầu. Theo kế hoạch, mục tiêu trung hạn là đạt được "chủ quyền công nghệ", tức là hướng tới độc lập so với các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài.

Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp Đức đang bị tụt lại phía sau tròn "cuộc đua" AI. Theo Thủ tướng Đức, một trong những nguyên nhân của điều này là nhiều công ty phải vật lộn để tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm cần thiết cho việc mở rộng quy mô nghiên cứu và ứng dụng. Để đạt được "chủ quyền công nghệ", ông Scholz nhấn mạnh nhu cầu huy động thêm đầu tư. Đây được coi là "cách duy nhất để biến những đổi mới thành mô hình kinh doanh mới tại Đức".

Chuyên gia Estella Landau từ Trung tâm ZUKIPRO cho rằng nhiều công ty quan tâm đến AI, họ hy vọng AI sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất. Nhưng họ không biết chính xác và cần tìm kiếm sự hướng dẫn, cũng là để vượt qua những lo ngại về công nghệ mới.

Phần lớn các ứng dụng AI mà các doanh nghiệp Đức sử dụng vẫn đến từ các nhà cung cấp Mỹ như Microsoft, Google. Điều này làm dấy lên câu hỏi về mục tiêu trở nên độc lập hơn của Đức trong lĩnh vực AI.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ  khí hậu Robert Habeck thừa nhận rằng đây là một chiến lược mang tính trung hạn. Ông lưu ý, nhận thức về tầm quan trọng của chủ quyền công nghệ đã tăng lên đáng kể trong cả các ngành công nghiệp và giới chính trị. Trong bối cảnh này, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức nhận thấy rằng "công nghệ châu Âu và Đức đang có những tiến bộ".

Phó Thủ tướng Habeck nhấn mạnh việc sử dụng dữ liệu công nghiệp như một trụ cột quan trọng trong chiến lược AI của Đức. Các công ty Đức đang sở hữu một kho tàng dữ liệu. Điều này sẽ cho phép nước Đức đảm nhiệm vai trò đầu tàu trong làn sóng AI lớn tiếp theo và phát triển các hệ thống mới có thể thực hiện các nhiệm vụ ngày càng chuyên biệt.

Nhà lãnh đạo Đức cho biết sự hợp tác ở cấp độ châu Âu cũng rất quan trọng đối với vấn đề này. Theo ông, lượng dữ liệu của Đức, ngay cả khi rất mạnh, vẫn sẽ quá nhỏ. Do đó cần phải tìm ra cách tiếp cận của châu Âu.

Là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của châu Âu, chính phủ Đức đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc phát triển AI "đáng tin cậy" -  công nghệ tôn trọng nghiêm ngặt các quyền cơ bản của người dùng và do đó sẽ tạo được lòng tin lớn hơn so với các ứng dụng từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Một trong những quy định quan trọng nhất là Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Đây là bộ luật toàn diện nhất thế giới về trí tuệ nhân tạo và áp dụng các quy định đặc biệt nghiêm ngặt đối với các ứng dụng AI có rủi ro cao. Trong hội nghị tại thành phố Frankfurt, các đại diện của ngành đều nhấn mạnh rằng hiện nay, điều quan trọng là các công ty phải hiểu rõ những quy tắc nào áp dụng cho họ và những quy tắc nào không.

Chính phủ Đức đã đưa ra cam kết về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này rất cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong cuộc đua AI toàn cầu. Theo Phó Thủ tướng Habeck, nước Đức "phải theo đuổi một chiến lược khác so với các công ty Mỹ".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục