Đường sắt Đức tạm dừng do cuộc đình công dài nhất từ trước đến nay

07:43' - 25/01/2024
BNEWS Cuộc đình công dự kiến kéo dài 6 ngày bắt đầu từ 24/1 của Liên minh lái tầu Đức có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách và khiến nền kinh tế thiệt hại tới 1 tỷ euro.

Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, cuộc đình công dự kiến kéo dài 6 ngày bắt đầu từ 24/1 của Liên minh lái tầu Đức (GDL) do tranh chấp về số giờ làm việc và tiền lương với Công ty Đường sắt Đức - Deutsche Bahn (DB) có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách và khiến nền kinh tế thiệt hại tới 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) theo đánh giá của bà Tanja Gönner, Giám đốc điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI).

Ngày 24/1, lái tầu thuộc GDL đã bắt đầu cuộc đình công dài nhất từ trước đến nay khiến các dịch vụ chở khách và vận chuyển hàng hóa trên hệ thống đường sắt DB bị gián đoạn cho tới đầu tuần tới. Các chuyên gia cảnh báo cuộc đình công sẽ có tác động kinh tế nghiêm trọng.

Tác động của cuộc đình công ở mỗi địa phương một khác vì ở một số khu vực, dịch vụ vận chuyển đường sắt ít nhất vẫn được vận hành một phần bởi các công ty tư nhân như National

Express hay Eurobahn. Tuy nhiên, ngay cả các dịch vụ dự kiến hoạt động bình thường vẫn có thể bị gián đoạn vì vận hành trên hạ tầng đường sắt của DB.

Tại Hamburg, các điều phối viên giao thông cho biết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường cao tốc gia tăng do nhiều người phải lái xe đi làm. Ngoài ra, các đường cao tốc còn có thể bị ùn tắc do cùng lúc Hội nông dân cũng lên kế hoạch biểu tình lúc 7 giờ tối (giờ địa phương), với khoảng 100 máy kéo dự kiến sẽ diễu hành vào trung tâm thành phố.

 

Tuy nhiên, áp lực lên GDL cũng đang gia tăng khi các chính trị gia thuộc phe Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đối lập bảo thủ (CDU/CSU) kêu gọi ban hành luật chặt chẽ hơn để các cuộc đình công ở quy mô lớn như thế này khó có thể diễn ra trong tương lai.

Cuộc đình công kéo dài chưa từng có này cũng bị các bộ phận khác trong ngành đường sắt phê phán, trong đó Liên minh đường sắt chuyên nghiệp, không tham gia các hoạt động đình công, cho rằng việc đình công liên tiếp sẽ khiến nhiều hành khách xa lánh dịch vụ đường sắt trong tương lai. Giám đốc điều hành liên minh Dirk Flege đã kêu gọi cả hai phe giảm nhẹ "cả lời nói và hành động".

Đây là cuộc đình công thứ tư của GDL kể từ tháng 11, đánh dấu sự leo thang tranh chấp giữa GDL và DB và diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc đình công trước đó vào ngày 10/1 và 12/1.

Ngày 22/1, GDL cho biết đã từ chối đề nghị mới nhất của DB bao gồm tăng lương và thanh toán một lần trợ cấp do lạm phát.

GDL vẫn muốn cắt giảm giờ làm việc hàng tuần đối với người làm theo ca từ 38 giờ xuống 35 giờ mà không bị giảm lương, trong khi DB đề nghị giảm thời gian làm việc xuống còn 37 giờ, bắt đầu từ đầu năm 2026, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu của GDL là không khả thi vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên hiện có.

Người phát ngôn của DB, Anja Broeker, cho biết, hoạt động đình công kéo dài "là một cuộc tấn công chống lại nền kinh tế Đức" vì nó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vật tư cho các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu.

Mô tả cuộc đình công là "có sức tàn phá mạnh", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Volker Wissing cho biết nó sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng vốn đã quá tải do các cuộc tấn công vào các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ của lực lượng Houthis ở Yemen.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục