Thu nhập của phụ nữ tại Đức thấp hơn nam giới 18%

08:11' - 22/01/2024
BNEWS Phụ nữ ở Đức kiếm được trung bình 20,84 euro (22,7 USD) mỗi giờ trong năm ngoái. Con số này đối với nam giới là 25,3 euro.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), cho biết thu nhập trung bình của phụ nữ ở nước này trong năm 2023 thấp hơn 18% so với nam giới.

Theo báo cáo trên, phụ nữ ở Đức kiếm được trung bình 20,84 euro (22,7 USD) mỗi giờ trong năm ngoái. Con số này đối với nam giới là 25,3 euro.

 

Số liệu về chênh lệch lương giữa nam và nữ ở Đức bắt đầu được thống kê từ năm 2006 khi mức chênh lệch được xác định là 23%.

Khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ đã giảm dần cho đến năm 2020, xuống còn 18%, và từ đó đến nay không thay đổi.

Mức độ chênh lệch cũng khác biệt giữa các vùng ở Đức. Trong khi chênh lệch lương ở miền Tây nước Đức là 19%, thì tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở các bang thuộc CHDC Đức trước đây, chỉ ở mức 7%.

Theo Destatis, thu nhập của phụ nữ bắt đầu tăng chậm lại sau tuổi 30 - độ tuổi trung bình khi sinh con đầu lòng của phụ nữ Đức. Điều này có thể do phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp thường xuyên hơn vì lý do gia đình. Sự thăng tiến nghề nghiệp và tăng lương của họ do vậy cũng giảm đi. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường làm việc trong các lĩnh vực và ngành nghề được trả lương thấp hơn nam giới.

Đối với phụ nữ và nam giới làm việc cùng số giờ như nhau, với cùng trình độ chuyên môn, trong cùng loại công việc, số liệu thống kê cho thấy trung bình phụ nữ kiếm được ít hơn 6% so với nam giới.

Khoảng cách về lương giữa nam và nữ vẫn tồn tại không chỉ ở Đức mà còn trên khắp Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy ban châu Âu (EC), ở EU nói chung, phụ nữ được trả lương trung bình thấp hơn 13% so với nam giới cho một công việc như nhau và tiến độ thu hẹp khoảng cách này còn chậm.

Vào tháng 3/2020, EC đã đặt ra chiến lược thu hẹp khoảng cách về lương giữa nam và nữ vào năm 2025. Chỉ thị minh bạch về lương được ban hành vào tháng 6/2023 giúp người lao động có thể xác định xem họ có bị phân biệt đối xử hay không, hoặc giúp người sử dụng lao động đảm bảo rằng họ đang áp dụng các nguyên tắc trả lương bình đẳng cho lao động nam và nữ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục