Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Ưu tiên hướng tuyến thẳng nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất

21:33' - 01/11/2024
BNEWS Cần nhất quán nguyên tắc ưu tiên hướng tuyến thẳng nhất, bằng nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất, thuận lợi cho việc nâng cấp sau này.
Đây là quan điểm chỉ đạo được ông Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh tại cuộc họp thống nhất phương án tuyến và vị trí ga bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030 và hướng đến 2050, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/TTg ngày 19/10/2021 và thống nhất thúc đẩy đầu tư xây dựng tại Tuyên bố chung nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18/8/2024 đến ngày 20/8/2024.

 
Dự án có chiều dài khoảng 391 km, xuất phát từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc ở TP Lào Cai và kết thúc tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Tuyến đi qua địa phận 9 tỉnh thành, riêng đoạn qua tỉnh Lào Cai dài 64,7 km, xuyên qua các huyện và thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên, và Văn Bàn. Theo phương án tư vấn, sẽ có 5 nhà ga trên tuyến này ở Lào Cai, bao gồm ga Lào Cai, Thái Niên, Sơn Hải, Cam Cọn và Bảo Hà.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường khẳng định ây là dự án quan trọng quốc gia, được 2 nước Việt Nam, Trung Quốc rất quan tâm, ủng hộ, Chính phủ quyết tâm chỉ đạo vì vậy sẽ rất thuận lợi cho Lào Cai triển khai thực hiện. Ông Cường yêu cầu phương án tuyến phải được nghiên cứu để có tính hiệu quả cao nhất, phù hợp với quy hoạch hiện tại, hạn chế thấp nhất chi phí, nghiên cứu phương án kỹ thuật thi công cầu, hầm qua các khu vực các địa hình phức tạp. 

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực cũng lưu ý quá trình triển khai dự án, quy hoạch nhà ga sẽ ảnh hưởng phạm vi rộng cần đảm đảm bảo các điều kiện ổn định nơi ở, duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, người dân, nhất là các khu vực khu công nghiệp Đông Phố Mới.

Trước đó, trong phần trình bày của đơn vị tư vấn, phương án xây dựng được thiết kế nhằm tối ưu hóa chiều dài tuyến, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến các khu dân cư, môi trường và các khu vực có ý nghĩa văn hóa. Đồng thời, tuyến phải phù hợp với quy hoạch quốc gia và của địa phương, hạn chế tối đa các hoạt động đồi núi, giải phóng mặt bằng và bảo tồn các khu vực tự nhiên.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt chia sẻ rằng tiến độ triển khai dự án này rất cấp bách. Ban đã đề nghị tỉnh Lào Cai tham gia góp ý về phương án tuyến và vị trí các nhà ga đi qua địa bàn. Ban cũng kêu gọi tỉnh phối hợp cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hỗ trợ quá trình giải phóng mặt bằng cho các khu vực cần thiết. Đặc biệt, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn giao thông tại các giao điểm lớn và nghiên cứu kỹ lưỡng phương án tái định cư.

Tại cuộc họp, các lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành đã góp ý thêm về việc hạn chế cắt qua địa hình đồi núi để giảm thiểu tác động đến cảnh quan, tối ưu kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, khu đô thị và các điểm giao thông trọng yếu. Nhiều ý kiến cũng đề xuất xem xét phương án có thể tốn kém hơn nhưng đáp ứng tốt hơn về kỹ thuật và tính bền vững kinh tế. Bên cạnh đó, yêu cầu về khả năng nâng cấp tốc độ khi tuyến đã ổn định cũng được cân nhắc để phù hợp với yêu cầu phát triển lâu dài.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện phương án tuyến, đảm bảo kết nối linh hoạt với hệ thống giao thông quan trọng như các tuyến cao tốc, khu công nghiệp và sân bay trong khu vực. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu về diện tích đủ rộng cho các ga để đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn. Đồng thời, tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò của dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng khi triển khai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục