EC giảm thuế xe điện Tesla sản xuất tại Trung Quốc

09:08' - 23/08/2024
BNEWS Tesla sắp được hưởng mức thuế thấp hơn đối với các mẫu xe của hãng này sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang EU sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đã sửa đổi đề xuất thuế đối với xe điện nhập từ Trung Quốc.

Những sửa đổi này nằm trong kết luận dự thảo của EC cho cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp của Trung Quốc. EC, cơ quan giám sát chính sách thương mại của khối, cho biết các mức thuế được đề xuất là cần thiết để tạo ra sân chơi bình đẳng và chống lại tình trạng trợ cấp không công bằng.

 

EC đã đặt ra mức thuế cho Tesla là 9%, thấp hơn mức 20,8% được đề xuất vào tháng Bảy. Cơ quan này cũng cho biết một số công ty Trung Quốc liên doanh với các nhà sản xuất ô tô của Liên minh châu Âu (EU) có thể nhận được mức thuế thấp hơn đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc. Các mức thuế này được áp dụng song song với mức thuế tiêu chuẩn 10% của EU đối với sản phẩm ô tô nhập khẩu.

Trước đó, Tesla đã yêu cầu EC tính toán lại mức thuế dành cho Tesla, dựa trên các khoản trợ cấp cụ thể mà công ty này đã nhận được. Ngày 20/8, EC cho biết xác minh rằng nhà sản xuất xe điện nói trên nhận được ít trợ cấp hơn từ chính phủ so với các nhà sản xuất xe điện của nước này mà EC đã điều tra.

EC cho biết cơ quan này vẫn tin rằng hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp quá mức, vì thế EC đề xuất mức thuế cuối cùng lên tới 36,3%.

Con số này thấp hơn một chút so với mức thuế tạm thời tối đa là 37,6% được đề xuất vào tháng Bảy đối với các công ty không hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU. Tesla là một trong những công ty được đánh giá là hợp tác với cuộc điều tra này.

Bên cạnh Tesla, EC đã giảm nhẹ mức thuế đề xuất đối với ba công ty sản xuất xe điện của Trung Quốc là BYD, Geely và SAIC, với các mức thuế tương ứng 17,0%, 19,3% và 36,3%. Trước đó, các mức thuế được đề xuất hồi tháng Bảy cho ba công ty này lần lượt là 17,4%, 19,9% và 37,6%.

Các mức thuế đề xuất nói trên có thể là các mức được áp dụng chính thức sau khi cuộc điều tra của EU kết thúc trong khoảng hai tháng nữa. Các bên liên quan có thời hạn đến ngày 30/8 để gửi ý kiến về kết quả điều tra dự thảo này của EC.

EC ước tính thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng từ mức chưa đến 1% vào năm 2019 lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025. EC cho biết các sản phẩm này thường có giá thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất.

Theo phân tích của CNBC, tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu trên doanh thu của các công ty xe điện Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cao hơn tỷ lệ này của Tesla. Đó là một chiến lược để tồn tại trên thị trường ô tô cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Ông Paul Gong, nhà phân tích tại tập đoàn UBS, cho biết tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trên doanh thu của nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang ở mức bằng hoặc cao hơn các đối thủ trên toàn cầu, đánh dấu một sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho mảng này so với nhiều năm trước. Ông cho biết, trong một số trường hợp, thậm chí xét về số tiền tuyệt đối, thì chi cho R&D của các nhà sản xuất Trung Quốc cũng cao hơn.

Trong số bốn công ty xe điện Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, Nio đứng đầu với mức chi tiêu gần 29% doanh thu trong ba tháng đầu năm cho R&D. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5,4% của Tesla trong quý đầu tiên và 4,2% trong quý thứ hai. Công ty của tỷ phú Elon Musk được biết đến với tỷ lệ chi cho R&D trên doanh thu tương đối thấp.

Bên cạnh Nio thì kết quả kinh doanh quý I của Zeekr cho thấy công ty này đã chi 13% doanh thu cho R&D. Công ty mẹ của Zeekr là Geely không tiết lộ tỷ lệ này trong báo cáo quý đầu tiên, nhưng đã chi ít nhất 4% doanh thu cho nghiên cứu trong bốn năm qua, tăng đáng kể so với những năm trước.

Tuy nhiên, chuyên gia Paul Gong của UBS cảnh báo rằng tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu trên doanh thu, đôi khi được gọi là cường độ R&D, không phải là thước đo chắc chắn về mức độ đổi mới công nghệ. Ông giải thích: "Nếu họ có thể bán được nhiều xe hơn với lợi nhuận tốt hơn, điều đó về cơ bản có nghĩa là cách đổi mới của họ có thể là phù hợp”.

Một công ty sản xuất xe điện khác của Trung Quốc là Xpeng có cường độ R&D là 20% trong quý đầu tiên. Tỷ lệ này của Li Auto chỉ là 11% nhưng các sản phẩm xe điện range extender (REX) của công ty này lại bán chạy hơn các loại xe điện chỉ chạy bằng pin.

Range extender (REX) là loại xe lai sử dụng cả động cơ điện và động cơ đốt trong, nhưng động cơ đốt trong không đóng vai trò truyền lực cho xe mà chỉ dùng để sạc pin cho động cơ điện.

Khi xét đến con số tuyệt đối bằng đồng USD, “ông lớn” BYD niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) đã chi tương đương 1,47 tỷ USD cho nghiên cứu trong quý đầu tiên, chiếm 8,5% doanh thu. Con số này nhiều hơn mức 1,15 tỷ USD chi tiêu cho R&D của Tesla trong cùng kỳ.

Trong khi đó, Bộ Công nghiệp Thái Lan yêu cầu các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có nhà máy lắp ráp tại nước này đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng ô tô của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Ngưỡng 40% được đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa Bộ Công nghiệp Thái Lan và GAC Aion New Energy Automobile, một nhà sản xuất xe điện thuộc Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC).

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan Pimphattra Wichaikul cho biết, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan, vốn quen thuộc với các bộ phận được thiết kế cho động cơ đốt trong (ICE), cần sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất ô tô, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp ô tô đang chuyển trọng tâm sang dòng xe điện.

Bà Pimphattra cho hay: “Các quan chức gần đây đã tổ chức các cuộc thảo luận với GAC Aion và các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc liên quan đến việc sử dụng các linh kiện ô tô do các công ty Thái Lan sản xuất. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với họ về việc chuyển giao công nghệ xe điện để phát triển ngành công nghiệp ô tô Thái Lan”.

Các nhà chức trách Thái Lan muốn đảm bảo rằng các nhà sản xuất phụ tùng ô tô địa phương có thể thích ứng với những thay đổi công nghệ và có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, sau những lo ngại rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ chủ yếu mua linh kiện từ các công ty nước này và xây dựng chuỗi cung ứng xe điện của riêng họ.

Theo trang tin ABC News (Australia), với việc Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất xe điện của đất nước, xe điện Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn hợp lý đối với người tiêu dùng, giành được ưu thế so với các công ty dẫn đầu ngành trên toàn thế giới.

Cuối năm ngoái, doanh nghiệp ô tô Trung Quốc BYD đã vượt qua nhà sản xuất Tesla (Mỹ) để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Kể từ đó, hai nhà sản xuất này đã cạnh tranh nhau để giành vị trí dẫn đầu dựa trên doanh số hàng quý.

Hiện tại, hơn 80% xe điện bán ra ở Australia - trong đó có Tesla - đều được sản xuất tại Trung Quốc, và các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang bắt đầu khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Có ý kiến cho rằng thương hiệu Tesla đang được đánh giá cao quá mức và không có nhiều khác biệt về chức năng giữa Tesla và BYD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục