EC tái khởi động gói cải cách thuế doanh nghiệp tham vọng

16:06' - 26/10/2016
BNEWS EC đang đề xuất một hệ thống thuế có thể đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn các vụ trốn thuế quy mô lớn.
EC tái khởi động gói cải cách thuế doanh nghiệp tham vọng. Ảnh: reuters

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25/10 đã tái khởi động gói cải cách thuế doanh nghiệp tham vọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và hạn chế tình trạng lạm dụng sau một loạt vụ bê bối gian lận thuế rùm beng khiến dân chúng phản ứng.

EC cho biết, sau khi không nhận được sự ủng hộ vào năm 2011, cơ quan này đã lắng nghe các nước thành viên và soạn thảo một phiên bản thân thiện với doanh nghiệp hơn.

Trong bước đầu tiên, EC đề xuất thiết lập Cơ sở thuế doanh nghiệp chung thống nhất (CCCTB). Hệ thống này sẽ mang tính chất bắt buộc với các tập đoàn đa quốc gia lớn, đảm bảo rằng các tập đoàn với doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (825 triệu USD) một năm sẽ bị đánh thuế ở những nơi mà tập đoàn có các hoạt động mang lại lợi nhuận.

Thông báo của EC nhấn mạnh rằng các mức thuế không được đề cập trong CCCTB bởi đây là vấn đề thuộc quyền của quốc gia. Tuy nhiên, CCCTB sẽ tạo ra một hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả và công bằng hơn cho việc tính thuế cho các tập đoàn đa quốc gia, từ đó cải cách đáng kể thuế doanh nghiệp trên toàn EU.

Theo Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici, EC đang đề xuất một hệ thống thuế có thể đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn các vụ trốn thuế quy mô lớn.

Thông điệp mà ông muốn truyền tải tới các nước thành viên là hãy nắm bắt cơ hội và nhanh chóng thực thi một hệ thống thuế doanh nghiệp công bằng hơn, cạnh tranh hơn và có lợi cho tăng trưởng hơn mà EU đang cần.

EC đang đề xuất một hệ thống thuế có thể hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Ảnh: aa.com.tr

Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, chính sách thuế nên hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội của khối, và các đề xuất mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp và đảm bảo sự công bằng.

Đề xuất ban đầu của EC đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước thành viên, đặc biệt là Anh, nước không đồng tình để EC can thiệp vào chính sách thuế bởi quyền quyết định là thuộc về các chính phủ. Các nước thành viên EU hiện đề ra các mức thuế riêng với sự khác biệt khá lớn.

Đề xuất ban đầu cũng thổi bùng nghi ngại rằng EU muốn chuẩn hóa hệ thống thuế để mở đường cho việc giành quyền đặt ra các loại thuế nhằm tài trợ cho các hoạt động của mình, một cách mà một số nước cho là để tiến tới một châu Âu mang hình thức liên bang.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục