ECB: Biến thể Delta là mối nguy đối với kinh tế Eurozone

08:52' - 27/07/2021
BNEWS Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã trở thành "một mối rủi ro ngày càng tăng" đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 22/7 cảnh báo rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã trở thành "một mối rủi ro ngày càng tăng" đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Phát biểu sau cuộc họp chính sách cùng ngày của ECB, bà Lagarde nói rằng đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone đang đi đúng hướng.

Nhưng đại dịch COVID-19 với biến thể Delta tiếp tục “phủ bóng” lên triển vọng nền kinh tế.

Biến thể này có sức lây lan nhanh chóng, đe doạ kéo lùi đà khởi sắc trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong du lịch và khách sạn.

Tại cuộc họp ngày 22/7, ECB đã giữ nguyên chính sách kích thích quy mô lớn cho Eurozone, nhấn mạnh việc cấn tiếp tục hỗ trợ khu vực này để đạt được mục tiêu lạm phát mới do ngân hàng trung ương đề ra.

Thông báo sau cuộc họp cho hay ECB quyết định giữ lãi suất tại mức thấp lịch sử, bao gồm lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm.

 Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.

Trong thông báo, ECB cũng cam kết giữ lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% một cách ổn định và lâu dài.

Các quan chức cũng không điều chỉnh kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.200 tỷ USD) - một công cụ chính của ECB để giúp Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Sự thay đổi lớn nhất từ cuộc họp là ECB sửa lại mục tiêu lạm phát thành 2%, so với mục tiêu trước đó là "gần, nhưng dưới 2%" vốn ngoài tầm với trong nhiều năm qua.

ECB dự kiến lạm phát trong Eurozone sẽ đạt 1,9% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 1,4% vào năm 2023 – thấp hơn so với mức mục tiêu của ngân hàng này.

Mặc dù các quan chức ECB đã có một số bất đồng về việc bắt đầu thu hẹp quy mô gói kích thích khổng lồ dành cho Eurozone, giới quan sát nhận định tình trạng ca mắc COVID-19 mới gia tăng gần đây có thể sẽ trì hoãn những cuộc thảo luận về vấn đề này.

Thông báo của ECB nhắc lại rằng chương trình PEPP sẽ được duy trì cho đến tối thiểu là năm 2022, hoặc cho đến khi ECB xác định rằng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã kết thúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục