ECB đẩy nhanh kết thúc chương trình kích thích kinh tế dù bất ổn gia tăng

22:01' - 10/03/2022
BNEWS Trong thông báo hôm thứ Năm, ECB xác nhận kế hoạch kết thúc Chương trình Mua sắm Khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.046 tỷ USD) vào cuối tháng này.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 10/3 cho hay họ có kế hoạch kết thúc chương trình mua tài sản trong quý III/2022, đẩy nhanh quá trình rời bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng giữa bối cảnh lạm phát tăng cao cùng những lo ngại về xung đột giữa Nga và Ukraine.

 

Mặc dù xung đột Nga – Ukraine trước đó đã thách thức quan điểm ECB cần thắt chặt chính sách sớm hơn, nhưng mức lạm phát kỷ lục 5,8% của tháng Hai và triển vọng thậm chí còn cao hơn cho tháng Ba đã tăng áp lực buộc ngân hàng này phải hành động nhằm giữ lạm phát ở quanh mức 2%.

Trong thông báo hôm thứ Năm, ECB xác nhận kế hoạch kết thúc Chương trình Mua sắm Khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.046 tỷ USD) vào cuối tháng này.

Đồng thời, các giao dịch theo Chương trình Mua Tài sản (APP) sẽ có quy mô nhỏ hơn so với kế hoạch ban đầu.

Hiện ECB dự kiến các giao dịch mua sắm tài sản thuộc APP đạt tổng cộng 40 tỷ euro vào tháng Tư, 30 tỷ euro vào tháng Năm và 20 tỷ euro vào tháng Sáu.

Trước đó, ngân hàng trung ương này đã xác định mua vào lượng tài sản trị giá 40 tỷ euro trong quý II, 30 tỷ euro trong quý III và 20 tỷ euro trong quý IV năm nay.

ECB nói thêm rằng việc mua tài sản của quý III/2022 sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Các mục tiêu vẫn có thể được sửa đổi nếu triển vọng lạm phát biến động. Thông báo nêu rõ, nếu các số liệu củng cố nhận định rằng lạm phát trong trung hạn sẽ không suy yếu sau khi kết thúc chương trình mua tài sản trên, ECB sẽ kết thúc hoạt động mua sắm vào quý III.

Ngân hàng trung ương châu Âu cũng nhấn mạnh các động thái điều chỉnh lãi suất sẽ diễn ra "một thời gian" sau khi kết thúc chương trình mua tài sản. Khi đó, ECB sẽ điều chỉnh lãi suất từng bước một.

Động thái trên đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, những người đã dự kiến ECB sẽ đưa ra ít cam kết nhất có thể cho đến khi có thêm thông tin về tình hình Ukraine, tác động của các lệnh trừng phạt Nga và diễn biến tương lai của giá hàng hóa.

Dù vậy, việc bình thường hóa chính sách vẫn được coi là không thể tránh khỏi. Nhất là đặt trong bối cảnh lạm phát tại 19 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) có thể cao gấp ba lần mục tiêu 2% của ECB trong năm nay, thậm chí có khả năng tiếp tục tăng vào năm tới.

Sự phục hồi của đà tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động thắt chặt cũng sẽ thúc đẩy ECB từ bỏ lập trường chính sách siêu nới lỏng, cùng với việc kết thúc giai đoạn thử nghiệm các biện pháp kích thích bất thường kéo dài gần một thập kỷ qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục