EU: Các “đại gia” công nghệ phải giải quyết các vụ lừa đảo hoặc chịu phạt

15:39' - 14/06/2022
BNEWS Tới đây, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố bản quy tắc cập nhật về thông tin sai lệch vào ngày 16/6 như một phần trong chiến dịch trấn áp tin tức giả mạo.

Công ty con của Alphabet Inc, Google cùng Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác sẽ phải thực hiện các biện pháp để chống lại các tài khoản sử dụng công nghệ hoán đổi gương mặt (deepfake) và tài khoản giả mạo trên nền tảng của họ, hoặc có nguy cơ bị phạt nặng theo quy tắc mới cập nhật của Liên minh châu Âu (EU).

 

Deepfake là những nội dung giả mạo siêu giống thực tế được tạo ra bởi các kỹ thuật máy tính phức tạp. Công nghệ này đã dẫn tới những cảnh báo trên toàn thế giới khi chúng có thể bị lợi dụng trong các tình huống chính trị cụ thể.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố bản quy tắc cập nhật về thông tin sai lệch vào ngày 16/6 như một phần trong chiến dịch trấn áp tin tức giả mạo.

Được giới thiệu vào năm 2018, bộ quy tắc tự nguyện giờ đây sẽ trở thành một chương trình mang tính quy định kiểm soát, với trách nhiệm được chia sẻ giữa các cơ quan quản lý và các bên ký kết bộ quy tắc.

Bản quy tắc cập nhật có giải thích các ví dụ về hành vi thao túng như deepfake và tài khoản giả mạo mà các bên ký kết sẽ phải giải quyết. Bên cạnh đó, bộ quy tắc này cũng sẽ được liên kết với bộ quy tắc mới rất cứng rắn của EU có tên là Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đã được 27 quốc gia EU đồng ý thông qua vào đầu năm nay, trong đó có một phần về chống thông tin sai lệch.

Trên thực tế, các công ty không tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo quy tắc có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của mình dựa trên các quy tắc của DSA. Họ có sáu tháng để thực hiện các biện pháp giải quyết của mình sau khi đã ký kết vào bộ quy tắc.

Các bên ký kết cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp giải quyết quảng cáo có chứa thông tin sai lệch và nâng cao tính minh bạch cho quảng cáo chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục