EU công bố ngân sách cho ngành công nghiệp bán dẫn

10:14' - 09/02/2022
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8/2 đã công bố ngân sách trị giá 43 tỷ euro (49,15 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào châu Á trong lĩnh vực chiến lược đang gặp khó khăn này.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đặt cho mình mục tiêu đạt được 20% thị trường thế giới về chất bán dẫn vào năm 2030, tức gấp đôi so với hiện nay. Điều này có nghĩa là sản xuất chất bán dẫn ở châu Âu sẽ tăng gấp bốn lần vào trong 8 năm nữa.

Người đứng đầu EC nhấn mạnh EU đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chip, đã chứng kiến thị phần của họ giảm trong những thập kỷ gần đây xuống chỉ còn 9% sản lượng toàn cầu.

Tình trạng thiếu chất bán dẫn đã kìm hãm ngành công nghiệp ô tô của châu Âu trong 3 năm qua với việc nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa.

Căng thẳng địa chính trị xung quanh Trung Quốc, cùng với đại dịch COVID-19, khiến châu Âu thấy sự cấp thiết phải tự chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn vốn hiện nay phải nhập nhập khẩu chủ yếu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Với kế hoạch này, châu Âu hy vọng sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết kế và sản xuất các thế hệ vi mạch tiếp theo, từ 2nm.

 

Được gọi là Đạo luật Chip, chương trình này xoay quanh một số trục bao gồm các công cụ thiết kế và dây chuyền thí điểm để tạo mẫu và thử nghiệm, phát triển các mô hình tiêu thụ điện năng thấp được chứng nhận, hỗ trợ lắp đặt các nhà máy sản xuất ở châu Âu, giúp khởi nghiệp, mở rộng quy mô và sáng kiến thương mại có đạo đức (ETIs) trong lĩnh vực này để tiếp cận nguồn vốn tài trợ, phát triển kỹ năng và khả năng trong lĩnh vực vi điện tử, ...

Phát biểu với báo giới, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối, Thierry Breton, người phụ trách sáng kiến của EU, cho biết ngân sách đầu tư 43 tỷ euro bao gồm 11 tỷ euro trợ cấp mới, một nửa trong số đó đến từ ngân sách của EU và nửa còn lại từ ngân sách của các quốc gia thành viên.

Phần lớn nhất của kế hoạch được công bố, tức là 30 tỷ euro, được lấy từ viện trợ công, từ các khoản  hỗ trợ của kế hoạch khôi phục châu Âu như NextGenerationEU và Horizon Europe, nhưng cũng từ ngân sách quốc gia.

Khoản tiền này sẽ được cấp cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn như Intel hoặc TSMC để khuyến khích họ thiết lập các địa điểm sản xuất ở Lục địa già.

Bên cạnh đó, 2 tỷ euro cũng được cấp cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Đến năm 2030, EC hy vọng sẽ tăng khoản ngân sách này nhờ sự đóng góp tài chính của các công ty tư nhân và nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) với một quỹ hơn 5 tỷ euro để tài trợ cho lĩnh vực này.

Theo Phó Chủ tịch EC, Margrethe Vestager, các chip điện tử cần thiết cho quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số và cho khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu. Do đó, EU không nên phụ thuộc vào một quốc gia hay một công ty để đảm bảo an ninh cho nguồn cung của mình.

Kế hoạch của châu Âu cũng nhằm cạnh tranh với kế hoạch của Mỹ. Vào tháng 6/2021, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật cạnh tranh và đổi mới (USICA), phân bổ ngân quỹ để tài trợ cho các chương trình được nêu trong đạo luật Chips for America.

USICA bao gồm viện trợ tài chính ít nhất 37 tỷ USD cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip trong vòng 5 năm và thêm 11,2 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Theo kế hoạch, có tới 10 nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới dự kiến sẽ được xây dựng tại Mỹ.

Theo bà Emilie Jolivet, Giám đốc phụ trách hoạt động bán dẫn của công ty tư vấn Yole Développement, châu Âu hiện đang tụt hậu về phương tiện sản xuất. Dự án này là một bước tiến nhưng nó phải được đặt trong quan điểm liên quan đến những gì đang được thực hiện ở các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Chẳng hạn, TSMC của Đài Loan cho biết họ sẽ đầu tư 36 tỷ euro chỉ riêng vào năm 2022.

Chuyên gia này giải thích rằng châu Âu hiện đang trải qua "sự phụ thuộc kép" về chất bán dẫn. Đó là sự phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia thiết kế chip, với các nhân tố như Intel, Micron, Nvydia và AMD.

Mặt khác, sự phụ thuộc vào châu Á, nơi sản xuất phần lớn số lượng chíp điện từ bởi các công ty ở Đài Loan (Trung Quốc), hay ở Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix, và ngày càng gia tăng các công ty sản xuất ở Trung Quốc.

Để kế hoạch trở thành hiện thực, vẫn cần được các nước thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục