EU lên sẵn "kịch bản" cho cuộc chiến thương mại với Mỹ

12:49' - 28/02/2018
BNEWS Các Bộ trưởng Thương mại của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu vừa có cuộc họp tại thủ đô Sofia của Bulgaria để chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh thương mại với Mỹ.
Các Bộ trưởng thương mại của 28 nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Sofia, Bungaria, đã cảnh báo sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ có các biện pháp siết chặt thương mại đối với EU. Tuy vậy, EU vẫn hy vọng có thể tránh được sự leo thang này. Trong cuộc họp bàn về các kịch bản hành động có thể phải sử dụng, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom (trong ảnh) cam kết sẽ đưa ra các hành động đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có các quyết định ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với EU. AFP/TTXVN

Dù không hề mong muốn điều này xảy ra nhưng EU muốn phát đi thông điệp tới Washington rằng họ đã sẵn sàng đáp trả nếu quốc gia đồng minh Mỹ quyết định "tấn công" khối này bằng các biện pháp siết chặt thương mại. 

Từng là quốc gia sản xuất thép số 1 thế giới, nhưng hiện Mỹ đã bị Trung Quốc và Nhật Bản vượt xa về sản lượng. Do vậy, ngay sau khi lên nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố “ngành thép sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển ngành công nghiệp của nước Mỹ”.

Ông Trump đã đưa ra 4 chính sách để khôi phục nền công nghiệp thép của Mỹ, bao gồm bãi bỏ các quy định ngăn cản sự phát triển của ngành thép, cắt giảm thuế doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cuối cùng cũng là chính sách quan trọng trong nhất mà ông Trump có thể thực hiện được là: Ngăn chặn nhập khẩu thép giá rẻ từ các nước trên thế giới.

Viện cớ cạnh tranh ngành thép trên thị trường quốc tế hiện không công bằng, ông Trump đã gấp rút yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp về tác động của thép và nhôm nhập khẩu lên an ninh quốc gia Mỹ. Hôm 16/2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm.

DOC cũng khuyến nghị một số phương án hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với nhôm và thép dưới hình thức thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng với tất cả các nước/vùng lãnh thổ hoặc một nhóm nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu các mặt hàng này vào Mỹ.

Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Donald Trump sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11/4) và với nhôm (trước ngày 19/4).

Mỹ đang là nước nhập khẩu thép nhiều nhất thế giới. Riêng trong năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 26,9 triệu tấn thép. Việc đưa ra chính sách "bài trừ thép ngoại" của ông Trump cho thấy quyết tâm khôi phục ngành thép vốn là niềm tự hào của nước Mỹ.

Nếu lệnh thuế mới được ban hành, thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Canada và các nước châu Âu sẽ nằm trong danh sách những quốc gia phải chịu "cú đấm" mạnh mẽ nhất từ Mỹ. Trước mối nguy này, một cuộc "khẩu chiến" giữa EU và Mỹ đã xảy ra.

Theo tính toán của các chuyên gia, quyết định của Mỹ áp thuế hạn chế nhập khẩu thép sẽ ảnh hưởng đến 15% xuất khẩu thép của EU vào thị trường Mỹ, đồng nghĩa với việc khoảng 3 triệu tấn thép của EU sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới, gây thiệt hại lớn cho EU.

EU tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp đặt thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu thép từ châu Âu. Bà Cecilia Malmström, Uỷ viên châu Âu phụ trách về thương mại, đã kêu gọi chính quyền của ông Trump không nên áp đặt hàng rào thuế quan nhập khẩu thép vì như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới châu Âu.

"Mỹ và châu Âu là bạn và là đồng minh vì thế chúng tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ phải chịu bất công vì điều này. Chúng tôi sẽ chờ đợi xem biện pháp thuế mới mà Mỹ ban hành có tuân thủ với quy định của WTO hay không.

Nếu điều này gây tổn hại đến châu Âu thì tất nhiên chúng tôi sẽ trả đũa".

Bộ trưởng Thương mại Đức Matthias Machnig (Mát-thi-át Mác-ních) - quốc gia đóng góp tới 4% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, cho biết EU đã nhất trí về sự cần thiết chuẩn bị các hành động đáp trả Mỹ và theo ông, sẽ là không thông minh nếu Mỹ trừng phạt các đồng minh quan trọng như EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Về phần mình, đại diện của Pháp cho rằng lập luận của Mỹ về bảo đảm an ninh quốc gia là không vững chắc khi mà nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ chỉ sử dụng một tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu thép và nhôm.

Ngành công nghiệp sản xuất xe tăng và xe bọc thép tại Mỹ phụ thuộc vào các hợp đồng chính phủ nhiều hơn so với các ngành công nghiệp khác. Trong khi đó, ngân sách của chính quyền Mỹ những năm qua đã cắt giảm mạnh cho sản xuất xe bọc thép, một phần do quyết định rút quân khỏi Afghanistan khiến doanh thu sụt giảm.

Để đáp trả mức áp thuế nhập khẩu thép có thể lên tới 20% sắp tới của Mỹ, EU đang lên kế hoạch áp thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như nông sản, xe máy Harley-Davidson, rượu whisky ngô...tương tự như Quốc sẽ trả đũa bằng thuế nhập khẩu đậu tương từ Mỹ.

Tùy theo các biện pháp Washington đưa ra, EU có nhiều lựa chọn phù hợp để "phản đòn" phía Mỹ. Trước tiên, EU có thể đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc có vẻ đơn giản nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

Kịch bản thứ hai là EU có thể đưa ra các biện pháp được gọi là bảo vệ công nghiệp thép và nhôm châu Âu. Điều này cho phép EU ra quyết định hạn chế tạm thời nhập khẩu một số sản phẩm để bảo vệ một số ngành sản xuất liên quan.

Trường hợp Mỹ áp dụng các biện pháp thương mại quá chặt chẽ thì ngoài khả năng không thể xuất khẩu được thép và nhôm sang Mỹ, EU còn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị chìm ngập bởi các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Các biện pháp phòng vệ có thể giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng khó khăn này.

Giới chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng nếu Mỹ cố tình áp thuế để chặn thép nhập khẩu thì bản thân các công ty của Mỹ cũng sẽ gánh chịu thiệt hại khi mà ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu trong nước, trong khi có rất nhiều công ty đang sử dụng thép trong sản phẩm của họ.

Giám đốc truyền thông của Harley-Davidson, Michael Pflughoeft cho biết công ty đang đánh giá tác động của việc tăng thuế thép và thông báo tới khách hàng khi có kết quả.

Ông nói: "Nhìn tổng thể, việc tăng giá thép ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong bán lẻ tại bất cứ thị trường nào của công ty.

Chúng tôi ủng hộ các chính sách tự do và bình đẳng thương mại nhằm giải quyết rào cản quốc tế đồng thời tạo điều kiện cho chúng tôi cạnh tranh trên thị trường toàn cầu".

Rõ ràng việc chính quyền Mỹ tìm cách dựng ra các rào càn về thuế để ngăn chặn thép cũng như nhiều sản phẩm khác của nước ngoài đang tiềm ẩn các rủi ro khi nó có thể dẫn tới hàng loạt cuộc chiến thương mại với các hành động trả đũa từ các cường quốc và các nhóm kinh tế, kéo theo những tổn thất rất lớn cho nền kinh tế thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục