EU theo sát diễn biến điều tra về Facebook

14:38' - 06/04/2018
BNEWS Facebook mới đây thừa nhận có tới 87 triệu người dùng bị đánh cắp dữ liệu, thay vì con số 50 triệu người đưa ra trước đó.
EU theo sát diễn biến điều tra về Facebook. Ảnh: Marketing Land

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang liên lạc với các cơ quan chức năng phụ trách bảo vệ dữ liệu tại các nước thành viên và Mỹ nhằm theo sát quá trình điều tra liên quan đến khả năng Facebook vi phạm luật về quyền riêng tư của EU.

Facebook mới đây thừa nhận có tới 87 triệu người dùng bị đánh cắp dữ liệu, thay vì con số 50 triệu người đưa ra trước đó.

Australia cho biết các nhà chức trách Australia đang điều tra xem liệu Facebook có vi phạm luật về quyền riêng tư của nước này, khi thông tin cá nhân của hơn 300.000 người dùng Facebook tại Australia bị rơi vào tay Cambridge Analytica. Theo luật của Australia, mỗi vi phạm có thể bị áp án phạt 420.000 AUD (323.000 USD).

Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley mới đây đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia châu Âu phản ứng thích đáng đối với mạng xã hội Facebook về vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng với số người bị ảnh hưởng đang tăng lên rất nhiều so với ước tính ban đầu.

Bộ trưởng Barley cáo buộc Facebook thiếu minh bạch, vì lợi nhuận mà thực hiện những hành vi phạm luật. Bà đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu có phản ứng mạnh đối với hành vi "lạm dụng thông tin cá nhân" của Facebook.

EU đã thiết lập những quy định mới sẽ có hiệu lực từ tháng Năm tới, theo đó yêu cầu các công ty truyền thông xã hội bảo mật tốt hơn đối với các thông tin cá nhân trên mạng nếu không sẽ phải chịu phạt tối đa 4% thu nhập hàng năm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức cho rằng những biện pháp này chưa đủ tính răn đe và nhấn mạnh cần phải có những luật định rõ ràng với các công ty truyền thông xã hội.

Hồi tuần trước, bà Barley đã gặp các Giám đốc điều hành Facebook ở châu Âu để thảo luận về vụ bê bối rò rỉ thông tin này và yêu cầu Facebook làm rõ liệu còn bên thứ ba nào khác khai thác thông tin người dùng Facebook một cách bất hợp pháp nữa không.

Khoảng 310.000 người dùng ở Đức được cho là chịu ảnh hưởng trong vụ việc đang khiến mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này lao đao. Không chỉ chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu, Facebook còn đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh kể từ ngày 16/3, khi mạng xã hội này lần đầu thừa nhận dữ liệu người dùng đã bị Cambridge Analytica truy cập bất hợp pháp, khiến giá trị thị trường của công ty "bốc hơi" hàng trăm tỷ USD. Ngày 11/4 tới, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg sẽ phải có mặt tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ liên quan vụ rò rỉ nghiêm trọng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục