EU tiếp tục bất đồng về vấn đề người nhập cư

20:30' - 17/02/2016
BNEWS Theo “Báo Độc lập” (Nga) số ra ngày 15/2 có bài viết cho biết chỉ vài ngày sau Hội nghị An ninh Quốc tế tại Munich (Đức), giới chính trị gia châu Âu lại quay trở lại với chủ đề người nhập cư.
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập nhóm Visegrad (WG) bao gồm Ba Lan, Bỉ, Cộng hòa Czech và Slovakia. Ảnh: Reuters

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/2, các nước thành viên sẽ phân tích tình hình hiện nay và đề ra cách thức hành động tiếp theo.

Ngày 15/2, tại Praha (Cộng hòa Czech) đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo các quốc gia và chính phủ nhóm Visegrad (WG) bao gồm Ba Lan, Bỉ, Cộng hòa Czech và Slovakia. Đồng thời, ở Praha cũng diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm thành lập nhóm WG.

25 năm trước, nhóm này được thành lập với mục đích hỗ trợ lẫn nhau để 4 nước Đông Âu tiến vào châu Âu. Mặc dù nhóm này đã ngừng hoạt động từ lâu, song sự bất mãn của Brussels trước việc vấn đề người nhập cư luôn do Berlin quyết định đã khiến WG hoạt động trở lại.

Các thành viên trong nhóm phản đối quyết định của EU về việc phân bổ một cách bắt buộc người di cư cho các quốc gia thành viên EU và hạn ngạch hàng năm ngày càng nhiều hơn. Họ kêu gọi đóng cửa biên giới Hy Lạp với Macedonia, vốn là tuyến đường có dòng người di cư tương đối lớn.

Theo một số nguồn tin, Lễ kỷ niệm Nhóm Visegrad tại Praha có mời Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, việc bà Merkel không đến rõ ràng cho thấy mâu thuẫn trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề người di cư giữa Đức và các đối tác Đông Âu.

Mặc dù vậy, ngay trong nhóm cũng có những sắc thái phản ứng khác nhau trong vấn đề này. Hungary và Slovakia phản đối cơ chế phân bổ người di cư. Cộng hòa Czech cố gắng không làm mất lòng Berlin bằng những báo cáo sắc bén.

Bốn quốc gia Đông Âu đều dứt khoát phản đối chính sách của Thủ tướng Đức về vấn đề người di cư. Ảnh minh họa: Reuters

Sau khi thay đổi Nội các, Ba Lan cũng thay đổi quan điểm đối với vấn đề người di cư. Tuy nhiên trên thực tế, bốn quốc gia Đông Âu đều giống nhau khi dứt khoát phản đối chính sách của Thủ tướng Đức về vấn đề người di cư.

Không ít câu hỏi và sự nghi ngờ được đặt ra đối với bà Merkel khi đặt cược vào đối tác không đáng tin cậy như Thổ Nhĩ Kỳ. Báo “Spiegel” dẫn lời Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak cho biết ông không muốn tranh cãi với bà Merkel, tuy nhiên, ông không cho rằng việc phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề của châu Âu là một quyết định đúng đắn.

Đối với hạn ngạch dành cho những người tị nạn, WG cho rằng một biện pháp như vậy chỉ làm gia tăng mong muốn di cư vào châu Âu. Các quốc gia WG đang tận dụng tình hình hiện nay để yêu cầu đóng biên giới Hy Lạp-Macedonia.

Berlin đã “chết lặng” trước tuyên bố của Thủ tướng Pháp Manuel Valls tại Munich rằng nước ông sẽ tiếp nhận 3.000 người tị nạn, nhưng chỉ một lần duy nhất và không có lần thứ hai. Áo và Thuỵ Điển cũng đồng tình với kế hoạch đóng cửa biên giới giữa Macedonia với Hy Lạp.

Tất cả những điều này dường như đang mâu thuẫn với ý đồ của Đức. Tuy nhiên, bà Merkel cũng đang gặp phải những khó khăn ngay trong chính sách đối nội.

Ngày 15/2, Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Wolfgang Steiger đã đưa ra một tuyên bố thu hút được nhiều sự chú ý. Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh châu Âu sắp diễn ra, ông cảnh báo: “Nếu EU một lần nữa không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề người di cư thì sẽ buộc phải khai trừ Hy Lạp ra khỏi khu vực Hiệp ước Schengen”.

Hội nghị Thượng đỉnh EU đang biến thành một thử thách đối với bà Merkel, người đã hứa sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang vội vàng hỗ trợ bà Merkel.

Ngày 15/2, Chủ tịch SPD kiêm Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đã gửi một bức thư cho người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng của SPD và lãnh đạo của các đảng có liên quan của các nước thành viên EU để trấn an rằng rằng mục đích bảo vệ EU không phải là chuyển những người tị nạn sang các quốc gia láng giềng, mà là thiết lập trật tự của các biên giới và hệ thống nhận diện tốt nhất những người nhập cư.

Các tác giả của thông điệp kêu gọi tiến hành các hành động chung và ngỏ ý sẵn sàng thảo luận về các biện pháp an ninh bổ sung tại biên giới bên trong châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục