EU-Trung Quốc: Hợp tác khi có thể và cứng rắn khi cần thiết

06:00' - 18/09/2020
BNEWS Cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này giúp tạo hy vọng về một lộ trình rõ ràng tiến tới việc ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư từ nay đến cuối năm.

Ngày 14/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thảo luận các chủ đề về thương mại, khí hậu, hợp tác kỹ thuật số và chống đại dịch COVID-19, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai bên.

RFI nhận định, hợp tác khi có thể và cứng rắn khi cần thiết, đó là đường hướng của các nước Liên minh châu Âu cho cuộc họp trực tuyến này. Với các nước EU, đây cũng là bằng chứng cho thấy trong những hồ sơ quan trọng, châu Âu vẫn có thể bảo vệ được các lợi ích của mình, đồng thời vẫn có những lá bài mà châu Âu có thể khai thác trong quá trình đàm phán.
Hồ sơ kinh tế lớn nhất là hiệp định bảo hộ đầu tư nhằm giúp các doanh nghiệp châu Âu xâm nhập thị trường Trung Quốc với các quy định công bằng. Cuộc họp thượng đỉnh này giúp tạo hy vọng là sẽ có một lộ trình rõ ràng tiến tới việc ký kết hiệp định từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, theo tờ nhật báo FAZ, các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư này không nhiều tiến triển do tình hình xấu đi trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc. 
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của EU sau Mỹ. Đối với Trung Quốc, EU thậm chí còn là đối tác thương mại quan trọng nhất. Đức là nước xuất khẩu lớn nhất trong EU sang Trung Quốc.

EU chủ yếu nhập khẩu hàng tiêu dùng và công nghiệp, quần áo và giày dép từ Trung Quốc, còn Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu máy móc, ô tô và hóa chất. 
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU và Trung Quốc nhất trí xác định tiếp tục cùng thúc đẩy cải thiện các giá trị nhằm bảo vệ lợi ích của cả hai bên. Ông Michel nhấn mạnh EU mong muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng, có đi có lại và dựa trên sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau. Trung Quốc là đối tác toàn cầu quan trọng trong việc giảm thiểu khí phát thải nhà kính trên toàn cầu và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. EU trông đợi Bắc Kinh tham vọng hơn nữa trong chủ đề này.
Ông Michel cho hay EU có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và là đối tác thương mại số một của quốc gia này với giá trị giao dịch trung bình giữa hai bên lên tới hơn 1 tỷ euro (1,18 tỷ USD)/ngày. Thương mại có thể tiếp thêm sức mạnh cho sự phục hồi kinh tế của cả hai phía và EU muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Michel cho biết, EU bảo vệ tầm nhìn của mình về một không gian mạng tự do, mở và an toàn, vì lợi ích của công dân và toàn xã hội. Với tư cách là người chơi toàn cầu, EU và Trung Quốc cần có trách nhiệm tương xứng.
EU cũng khuyến khích Trung Quốc theo đuổi sự phục hồi kinh tế để cải cách cơ cấu và định hình một nền kinh tế "xanh", bền vững hơn. Ông Michel kết luận cuộc họp lần này vô cùng quan trọng song việc thảo luận là chưa đủ và hai bên cần phải chuyển từ lời nói sang hành động.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen cho biết, EU kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ truyền thông kỹ thuật số của châu Âu. Bà von der Leyen nói EU mong muốn Bắc Kinh sẽ gỡ bỏ các rào cản thị trường, ít nhất đối với các sản phẩm kỹ thuật số và dịch vụ truyền thông của châu Âu. Thị trường của EU trong lĩnh vực này hoàn toàn mở và EU cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Chủ tịch EC Von der Leyen và Thủ tướng Merkel đã bày tỏ lạc quan về việc sẽ đạt được thỏa thuận đầu tư trong tương lai gần, nhưng còn bỏ ngỏ về thời gian. Theo bà Von der Leyen, đã có thỏa thuận về ba chủ đề trọng tâm là minh bạch trợ cấp, chuyển giao công nghệ và các công ty nhà nước. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là khi tiếp cận thị trường và phát triển bền vững. Đối với các công ty trong lĩnh vực kỹ thuật số, y tế và cơ điện nói riêng, Trung Quốc vẫn phải dỡ bỏ các rào cản để tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng, đúng là gần đây Chính phủ Trung Quốc đã xích lại gần EU hơn vì những căng thẳng đang diễn ra với Mỹ. Tuy nhiên, những người khác cho rằng, mối quan tâm đến một liên minh chặt chẽ với châu Âu đã suy yếu.
Trong khi đó, Tờ Nam Đức (SZ) bình luận: "Châu Âu phải trở thành một người chơi, không phải là một sân chơi". Chủ tịch Ủy ban châu Âu tỏ ra rất tự tin, bà mong muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đang thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư. 
Sau cuộc hội đàm qua video, các chính trị gia hàng đầu EU bày tỏ hy vọng rằng thái độ đoàn kết của họ sẽ đạt được kết quả cụ thể trong chính sách thương mại và bảo vệ khí hậu và được coi trọng hơn trên trường thế giới. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh việc nỗ lực cho mối quan hệ chiến lược tốt đẹp với Trung Quốc là "đúng đắn và quan trọng". Tuy nhiên, bà cho rằng không nên có bất kỳ ảo tưởng nào mà nên đo lường bằng thước đo thực tế. 
Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã từ một nước đang phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, các điều kiện cạnh tranh công bằng rất quan trọng. Theo bà Merkel, EU đã gây áp lực để tiến tới thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc có thể được ký kết vào cuối năm nay và ít nhất đã có "xung lực chính trị" cho việc này. 
Thỏa thuận nhằm giúp các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn với Trung Quốc đã được đàm phán từ năm 2013. Chủ tịch EC Von der Leyen nhấn mạnh, sau khi bế tắc đã được khắc phục vào cuối tháng Sáu, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm như về tiếp cận thị trường. Trung Quốc có thể chứng minh rằng họ thực sự muốn có thỏa thuận này.
EU tin vào sức mạnh của lý trí và các thỏa thuận. Tuy nhiên, từ lâu đã tồn tại khoảng cách nguy hiểm giữa Bắc Kinh và Brussels. Trung Quốc đã phát triển một sứ mệnh chiến lược - như cố vấn chính sách đối ngoại cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden viết - sẽ là "thách thức ý thức hệ lớn nhất kể từ thời Liên Xô". Đằng sau đường lối mới của Trung Quốc là những lợi ích khó khăn về khả năng thống trị thị trường, phạm vi ảnh hưởng, ưu thế công nghệ và khả năng bất khả xâm phạm.
Mặt khác, sự thống nhất ý thức hệ của EU là một điều như vậy. Nhận thức của họ về quy mô và tính bất khả xâm phạm tỷ lệ nghịch với sức mạnh thị trường của họ. Sự tự tin của châu Âu không phải là kết quả của việc có thêm 27 cái tôi quốc gia. Ngay cả khi 27 quốc gia EU gần đây nhất trí rằng Trung Quốc "đối thủ chiến lược" thì EU vẫn đang duy trì một hình ảnh sai lầm về Trung Quốc. Điều này từ lâu đã tạo ra khoảng cách giữa Bắc Kinh và Brussels.
Ở một khía cạnh khác, SZ phân tích rằng, mục tiêu của Trung Quốc là tự cung, tự cấp và thống trị. Những ý tưởng về chủ quyền quốc gia và sự độc lập ngày càng tăng về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc ngày càng khó dung hòa với những ý tưởng kinh tế thị trường và là các nguyên tắc nhân quyền mà EU dự định áp dụng trong một thế giới toàn cầu hóa. 
Theo phân tích của Trung Quốc, thế giới toàn cầu hóa sẽ sớm trở thành dĩ vãng. Các chương trình quốc gia như "Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035", "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) và kế hoạch 5 năm sắp được thông qua đều minh chứng cho một Trung Quốc đang rút khỏi hội nhập toàn cầu và dựa vào sức mạnh quốc gia. Quy mô này là thách thức thực sự đối với Daimler, BASF, Apple, không chỉ là thách thức đối với bất kỳ nền tài chính phương Tây nào, mà còn đối với các nền kinh tế thị trường dân chủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục