EU ứng phó với khủng hoảng năng lượng

12:41' - 23/09/2021
BNEWS Châu Âu đang đối mặt với tình trạng giá điện tăng phi mã khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 và mùa Đông sắp đến, trong lúc dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp đáng lo ngại.
Ngày 22/9, Ủy ban châu Âu cho biết đã sẵn sàng cho việc thông qua các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, trong khi tiếp tục hướng tới các mục tiêu dài hạn về khí hậu.

Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, Kadri Simson, có phát biểu trên sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Slovenia về vấn đề trên.

Châu Âu đang đối mặt với tình trạng giá điện tăng phi mã khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 và mùa Đông sắp đến, trong lúc dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp đáng lo ngại.

Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của EU hướng tới một tương lai ít khí thải, từng bước dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đang gây thêm sức ép lên thị trường của khối và các gia đình.

Nguyên nhân chủ chốt khiến giá cao là do giá khí đốt trên thị trường giao ngay mà các nghị sỹ châu Âu cáo buộc Nga đã thao túng nhằm buộc Đức vận hành đường ống mới qua biển Baltic, không trung chuyển qua Ukraine.

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine, khiến các kho dự trữ của châu Âu gần như trống rỗng. Tuy nhiên, tập đoàn này bác bỏ việc đã kiểm soát nguồn cung nhằm thúc đẩy hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong khi Bộ trưởng Năng lượng Áo, Leonore Gewessler, cho rằng sự phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga là vấn đề căn bản của nguồn cung, các bộ trưởng khác thận trọng hơn.

Bà Simson nhận định việc giá bán buôn năng lượng tăng mạnh chủ yếu là vấn đề mang tính toàn cầu và người tiêu dùng ở tất cả các nước EU chịu tác động.

Trong khi EU vẫn đang hướng tới các mục tiêu vì một tương lai ít khí thải thông qua việc chuyển đổi trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và sản xuất công nghiệp, và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt cũng như các nhiên liệu hóa thạch khác, EU nhận thấy các giải pháp cấp bách là cần thiết.

Theo bà Simson, trong ngắn hạn, một số nước sẵn sàng thực hiện các biện pháp tạm thời để bảo vệ người tiêu dùng. Cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế đánh vào năng lượng là phù hợp với các quy định của EU.

Bà cũng yêu cầu các bộ trưởng năng lượng EU trong vài tuần soạn thảo một bộ giải pháp mang tính cơ cấu hơn, có thể bao gồm các thỏa thuận mua theo nhóm và tập trung hơn vào năng lượng tái tạo có mức giá phù hợp hơn./.

>>Khủng hoảng khí đốt, ngành năng lượng Anh đề xuất lập "ngân hàng thu nợ xấu"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục