Khủng hoảng khí đốt, ngành năng lượng Anh đề xuất lập "ngân hàng thu nợ xấu"

07:58' - 20/09/2021
BNEWS Thành lập một “ngân hàng thu nợ xấu” để giải quyết các khách hàng mà các công ty thua lỗ không thể tiếp nhận là một trong những yêu cầu của các công ty cung cấp năng lượng ở Anh.

Các công ty cung cấp năng lượng lớn nhất của Anh đang yêu cầu một gói hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ trị giá hàng tỷ bảng Anh để giúp ngành này vượt qua cuộc khủng hoảng do giá khí đốt tăng cao, bao gồm việc thành lập một “ngân hàng thu nợ xấu” để giải quyết các khách hàng mà các công ty thua lỗ không thể tiếp nhận.

Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng ngày 19/9 đã hội đàm khẩn cấp với Ofgem, cơ quan quản lý thị trường điện và khí đốt Anh, và sẽ gặp mặt trực tiếp các công ty năng lượng vào ngày 20/9, trong bối cảnh hàng chục công ty nhỏ có thể phá sản trong những tuần tới do giá bán buôn điện và khí đốt tự nhiên tăng cao kỷ lục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, đang có chuyến công du tới New York để tham dự Tuần lễ Cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (UNGA76), cho biết những thách thức năng lượng chỉ là "tạm thời" và cam kết chính phủ sẽ  làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ ngành năng lượng và đảm bảo cung cấp năng lượng cho người dân.

Thủ tướng Johnson cho rằng nguyên nhân tăng giá là do nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi khi dịch COVID-19 suy giảm tại một số khu vực trên thế giới, khiến nhu cầu khí đốt tăng, đặc biệt tại châu Á, và vì vậy ảnh hưởng đến nguồn cung trên toàn thế giới.

Mặc dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng các đề xuất lên chính phủ của ngành năng lượng cho thấy ngành này cần hỗ trợ lớn để tránh các thiệt hại lâu dài nếu một số lượng lớn các nhà cung cấp năng lượng không thể hoạt động trong những tuần tới. Bộ trưởng Kwarteng được cho là đang xem xét các đề xuất và đã chấp nhận rằng sự can thiệp đáng kể của chính phủ có thể cần thiết.

Hầu hết các biểu giá năng lượng dành cho hộ gia đình hiện tại không đủ để bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ cho khách hàng mới, khiến các công ty năng lượng lớn miễn cưỡng nhận khách hàng mà không nhận được hỗ trợ từ chính phủ, có thể bao gồm các khoản vay của nhà nước hoặc các biện pháp khác.

Các đề xuất lên chính phủ tập trung vào ba biện pháp, trong đó có việc thành lập một ngân hàng thu nợ xấu để tiếp nhận những khách hàng từ những công ty thua lỗ. Một lựa chọn khác là chính phủ sẽ trả nợ cho các nhà cung cấp lớn, nếu họ phải chịu lỗ khi tiếp nhận khách hàng mới.

Cách thứ ba là thay vì chuyển khách hàng của những nhà cung cấp thua lỗ sang nhà cung cấp mới, Ofgem sẽ sẽ điều hành công ty vượt qua khủng hoảng, dẫn đến việc quốc hữu hóa các công ty này và chính phủ sẽ chịu mọi tổn thất trong quá trình này.

Chi phí của gói cuối cùng có thể tiêu tốn của chính phủ hàng tỷ bảng Anh do số lượng công ty phá sản dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới.

Năm công ty cung cấp năng lượng nhỏ của Anh đã ngừng hoạt động từ đầu tháng Tám do giá bán buôn tăng cao khiến các công ty này không đủ khả năng trang trải giá năng lượng mà họ đã cam kết cung cấp.

Giám đốc điều hành của các công ty cung cấp lớn đang lo ngại năm công ty, với 570.000 khách hàng trong nước, chỉ là một phần trong số các công ty thua lỗ và trong vòng 7-10 ngày tới, số khách hàng cần được chuyển sang nhà cung cấp mới có thể lên đến  triệu. Ngành năng lượng cảnh báo trong số 55 công ty hoạt động trong lĩnh vực này, chỉ có từ 6 đến 10 công ty có thể trụ lại đến cuối năm nay.

Chi phí mua đủ khí đốt và điện bán buôn trên thị trường giao ngay để cung cấp cho một hộ gia đình trung bình ước tính vào khoảng 1.600 bảng Anh/ năm, trong khi mức giá trần do Ofgem quy định trên hóa đơn năng lượng hiện tại là 1.277 bảng Anh, là mức giá đã nâng lên 139 bảng vào tháng trước.

Trong khi nguồn cung cấp năng lượng cho các khách hàng hiện tại phần lớn đã được các công ty năng lượng lớn bảo hiểm rủi ro, cho phép họ duy trì lợi nhuận, thì điều này là không thể đối với các khách hàng mới vì họ không thể lập kế hoạch cần mua bao nhiêu khí đốt và điện từ thị trường bán buôn.

Cuộc khủng hoảng khí đốt đã tác động nghiêm trọng tới ngành năng lượng của Anh và đang đe dọa nguồn cung thực phẩm. Ngành sản xuất thịt đang đối mặt với tình trạng thiếu carbon dioxide trầm trọng sau khi giá khí đốt tăng cao khiến CF Industries, một công ty của Mỹ, phải tạm ngừng sản xuất tại hai nhà máy phân bón lớn của Anh vào tuần trước.

Bộ trưởng Kwarteng đã gặp ông Tony Will, chủ sở hữu CF Industries, vào ngày 19/9 để thảo luận về các phương án khởi động lại sản xuất tại các nhà máy ở Cheshire và Teesside, bao gồm khả năng chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính nhằm tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Giá khí đốt tại Anh và châu Âu liên tục tăng cao trong những tuần gần đây do các công ty giao dịch lo ngại châu lục này đang bước vào mùa đông với lượng dự trữ thấp sau khi nguồn cung từ Nga cũng như  trong nước giảm do các nhà khai thác mỏ khí tiến hành bảo trì mỏ, đã bị trì hoãn từ năm ngoái./.

>>>Anh ngăn chặn tác động xấu của việc giá khí đốt tăng cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục